Xem trước:
Thế giới của chúng ta ngày nay P1
Thế giới của chúng ta ngày nay P2
Thế giới của chúng ta ngày nay P3
Thế giới của chúng ta ngày nay P4
Thế giới của chúng ta ngày nay P5
[Phần 6 và hết]
Đối với các thế hệ tương lai
Thật vô cùng khó khăn thế nhưng phải cố gắng, cố gắng bởi vì tôi quả quyết tin rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục hành động rập khuôn theo mô hình xã hội hoàn toàn xây dựng trên tiền bạc và uy quyền như thế này bất kể đến giá trị của yêu thương, các thế hệ tương lai nhất định sẽ gặp nhiều khó khăn và những khổ đau khủng khiếp hơn nữa.
Thế hệ trẻ và sự hung bạo
Người ta kể lại với tôi là thế hệ trẻ tại Hoa Kỳ và cả Âu châu ngày càng trở nên ích kỷ và hung dữ. Người ta so sánh các khu ngoại ô với những vùng rừng rú không luật pháp, họ kể chuyện các tên cướp nghiện ngập ma túy, những cảnh ném đá vào xe đang chạy từ các cầu bắc ngang xa lộ, các đứa trẻ vị thành niên phạm pháp. Người ta có thể tự hỏi đấy là hậu quả phát sinh từ sự suy thoái chung của xã hội và tình trạng khủng hoảng kinh tế hay đấy chỉ là những cảnh tượng thường nhật bùng lên từ sự hung bạo của chính chúng ta?
Có một sự kiện lạ lùng: tôi nhận thấy thế hệ trẻ Tây tạng sinh ra và lớn lên ở Ấn độ hiền lành hơn thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên tại Tây tạng. Cả hai thế hệ thuộc chung một dân tộc, thừa hưởng một nền văn hóa giống nhau, nói một ngôn ngữ giống nhau, thế nhưng tác phong không giống nhau. Tôi nghĩ rằng đấy là do môi trường mà ra. Hiện nay tại Tây tạng thế hệ trẻ phải chịu đựng sự đàn áp của người Trung quốc. Đấy có thể là một trong những lý do chính yếu giải thích sự hung hãn của chúng: cuộc sống không hạnh phúc, luôn bị hăm dọa. Sự đàn áp triệt để mang lại sự bất mãn khiến cho tuổi trẻ trở thành hung hăng.
Hình như tất cả chúng ta đều cảm thấy thiếu một cái gì đó. Tôi không biết đấy là gì, thế nhưng tôi cảm thấy có một cái gì đó không được hoàn hảo. Quý vị là những người Tây phương, quý vị đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Quý vị được đầy đủ tất cả hay ít ra quý vị cũng nghĩ là mình được mọi thứ ưu đãi; các tiện nghi vật chất thật ê hề và được phân chia công bằng hơn trước nhiều, hay ít ra đấy cũng là những gì quý vị thường khoe khoang và tự hào.
Thế nhưng hình như quý vị đang sống trong một tình trạng căng thẳng, phải cảnh giác và lo sợ triền miên. Những ai lớn lên trong bầu không khí đó suốt đời khó tránh khỏi cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó: cái thiếu thốn ấy chính là không gian sâu thẳm trong lòng của mỗi chúng ta, không gian đó thật êm đềm và phong phú. Quý vị bị chao đảo trên mặt sóng của biển khơi mà không hề ý thức được là mình đang ngồi trên sự êm ả mênh mông.
Án tử hình
Tôi quyết liệt chống lại án tử hình. Người tiền nhiệm của tôi [Đức Đạ-lai Lạt-ma XIII] đã hủy bỏ án này ở Tây tạng. Quả thật rất khó tin khi tôi thấy ngày nay án tử hình vẫn còn được duy trì tại các quốc gia lớn chẳng hạn như Trung quốc và Ấn độ. Nhân danh luật pháp người ta tiếp tục giết người ngay trên quê hương của Mahatma Gandhi, nơi Đức Phật quảng bá giáo lý của Ngài. Án tử hình là một sự hung bạo đơn thuần, man rợ và vô ích, có thể nói là nguy hiểm nữa, bởi vì nó có thể dẫn đến những sự hung bạo khác. Phải chuyển án tử hình thành chung thân và không được kèm thêm vào đấy bất cứ một sự trừng phạt tàn nhẫn nào khác.
Nghiệp báo là một biện pháp phòng ngừa
Nếu hầu hết mọi người đều biết sợ quả báo, có lẽ chúng ta cũng không cần đến cảnh sát và các hệ thống an ninh. Nếu mỗi người từ trong thâm tâm không tin vào quy luật nhân quả chúng ta không thể kiến tạo một xã hội an lạc dù cho luật pháp áp đặt từ bên ngoài cứng rắn đến đâu cũng vậy. Xã hội tân tiến ngày nay được trang bị nhiều phương tiện và kỹ thuật tinh vi giúp khám phá và ngăn chận kẻ bất lương.
Thế nhưng nếu như các thứ máy móc ấy càng trở nên chính xác và hiệu quả, các hành vi phạm pháp cũng trở nên tinh vi và liều lĩnh hơn. Nếu muốn cho xã hội con người được tốt đẹp hơn, không phải chỉ cần tăng cường luật pháp từ bên ngoài. Chúng ta cần có một biện pháp phòng ngừa từ bên trong.
Chính người xem thiết kế chương trình cho truyền hình
Chúng ta thử nhìn xem tình trạng các ngành truyền thông ngày nay ra sao. Khán giả rất thích những cảnh dâm dục và hung bạo trình chiếu trên màn ảnh truyền hình. Tôi không nghĩ rằng đấy là chủ đích của những người phụ trách muốn làm bại hoại xã hội mà chỉ vì đồng tiền. Họ chỉ nhắm đồng tiền mang lại từ những thứ ấy, đấy là mối quan tâm hàng đầu của họ. Thật vậy không thấy họ tỏ ra một chút trách nhiệm nào đối với xã hội.
Người xem thích thú khi tìm thấy những cảm giác mạnh do các chương trình truyền hình mang lại. Do đó khán giả cũng góp phần tạo ra nguyên nhân đưa đến những tệ hại trên đây. Chúng ta phải làm gì trước hai sức mạnh hỗ trợ và liên kết với nhau như thế?
Thật sự tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi thường nói trước đây, trước một tình trạng khó khăn mà chúng ta phải đối phó mỗi người phải ý thức được bổn phận của mình hầu góp phần làm giảm bớt tính cách tiêu cực của tình thế trước mặt. Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới, hãy cải thiện chính mình và biến cải chính mình trước đã.
Sức mạnh và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông
Chính quyền và các nhà lãnh đạo tôn giáo phải chấp nhận ngày nay họ không còn tự do tác oai tác quái, không còn có thể độc đoán như trước. Mọi người đều biết đến sức mạnh của báo chí là gì. Sức mạnh truyền thanh và truyền hình rất lớn bất kể là theo xu hướng nào. Sức mạnh đó gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng đến thái độ, sở thích và biết đâu cả cách suy nghĩ của chúng ta nữa. Thế nhưng đối với bất cứ một quyền lực nào cũng thế, chúng không bao giờ tác động một cách ngẫu nhiên không chủ đích.
Những người điều khiển các đài truyền hình và những người tài trợ dù muốn hay không đều tự tạo ra cho mình một quyền lực rất lớn. Vì thế họ có một trách nhiệm không nhỏ có thể so sánh với trách nhiệm của một nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị. Họ phải góp phần vào việc giữ vững và duy trì sự tồn vong của một tập thể con người. Vì thế sự an vui chung của tập thể hẳn phải là mối lo toan hàng đầu của họ.
Truyền thông phục vụ con người
Mỗi người trong chúng ta đều chịu một phần trách nhiệm nào đó đối với nhân loại. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến người khác, xem người khác như anh chị em của chính mình. Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến tương lai và sự an lành của nhân loại. Qua báo chí và truyền hình chúng ta phải kêu gọi mọi người nên ý thức trách nhiệm của mình, hơn là chỉ biết đăng quảng cáo với mục đích thương mại. Chúng ta phải mang lại cho ngành truyền thông một ý nghĩa nào đó, một cái gì đứng đắn hơn, hướng vào sự an lành của nhân loại.
Những chương trình quan trọng cho nhân loại
Thật vậy thế giới Tây phương bị mê hoặc bởi khía cạnh hiệu quả của một hành động. Trong nhiều lãnh vực, hiệu quả tất nhiên là điều đáng mong đợi, không thể chối cãi được. Vậy thì tôi xin nêu lên câu hỏi thật tự nhiên như sau: tại sao sự hiệu quả của kỹ thuật lại không được sử dụng để bảo vệ sự sống ? Đấy là những gì mà nhân loại đang mong chờ, vì con người đang cần đến một dự án quy mô, một lý tưởng. Dự án đó thật khó thực hiện, thế nhưng thật cần thiết cho nhân loại.
Nếu chúng ta chưa tìm ra giải pháp cho sự tồn vong của nhân loại, sau này đâu còn ai sống sót để nói lên chuyện đó nữa! Phật giáo có thể đưa ra một giải pháp. Không cần biết đến gốc gác của người bác sĩ chỉ cần người này biết chẩn bệnh đúng và biên toa có hiệu quả. Đức Phật đưa ra thí dụ về một người bị thương vì trúng tên tẩm thuốc độc. Người này nhất định không cho băng bó khi nào chưa biết ai bắn, người bắn thuộc giai cấp nào trong xã hội, thuộc gia đình như thế nào, hắn nhỏ thó hay to con, mũi tên làm bằng thứ gỗ gì. Người bị trúng tên chắc chắn sẽ chết trước khi được cứu chữa.
[lời khuyên này rất ý nhị: không cần biết Phật giáo là gì, Đức Phật là ai, hãy thực thi lòng từ bi, tình thương yêu và sự rộng lượng đối với tất cả chúng sinh để bảo vệ sự tồn vong của nhân loại]
Chúng ta đang ở vào buổi bình minh của một thời đại mới
Buổi bình minh của một thời đại mới đang mở rộng cửa cho chúng ta. Trong thời đại mới này các khái niệm, các giáo điều cực đoan và cứng nhắc đã lỗi thời không còn giúp ích gì cho sinh hoạt của nhân loại. Chúng ta nên tận dụng cơ hội lịch sử này để thay thế các khái niệm và giáo điều ấy bằng những giá trị tinh thần và nhân đạo và giúp chúng ăn sâu vào từng thành phần của toàn thể đại gia đình đang lớn mạnh.
[chúng ta đã đặt chân vào niên kỷ XXI, thế những những giá trị mà Đức Đạt-lai Lạt-ma cổ vũ có vẻ còn xa vời, tiếc lắm thay!]
Hết.
Đức Datlai Latma