Thế giới của chúng ta ngày nay P3

13/05/2019 06:19 PM

Chủ trương kỳ thị căn cứ vào những khác biệt bên ngoài - văn hóa, ý thức hệ, tôn giáo, chủng tộc, xã hội - là nguyên nhân mang lại đủ mọi thứ khổ đau cho nhân loại.

Thế giới của chúng ta ngày nay P1

Thế giới của chúng ta ngày nay P2



[Phần 3]

Trách nhiệm toàn cầu

Thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé. Sự liên hệ giữa các quốc gia trở nên chặt chẽ hơn. Thế hệ chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại lịch sử mới: đấy là sự hình thành của một cộng đồng thế giới duy nhất. Vì thế, dù muốn hay không, tất cả các thành phần trong gia đình rộng lớn và đa dạng của nhân loại phải tập sống bên cạnh nhau dù gặp bất cứ khó khăn nào.

Hố sâu ngăn cách giữa Nam và Bắc địa cầu

Các quốc gia Tây phương không bao giờ tự cho là đủ. Dù không thiếu thốn thứ gì nhưng các quốc giaấy cứ muốn nhiều hơn nữa. Các nước khác chẳng hạn như Ethiopa phải chịu đói kém triền miên. Người dân trong các nước nghèo đói chẳng có gì cả và rồi mai đây họ sẽ còn có ít hơn cả cái không có gì cả. Chúng ta phải tranh đấu xóa bỏ sự cách biệt đó, mang hai thế giới lại gần nhau hơn và làm giảm bớt đi sự cách biệt, nếu tạo được sự đồng đều lại còn tốt hơn nữa.

Thật vậy, nhất định đấy là mục tiêu trước tiên của tất cả chúng ta. Những khó khăn xảy ra từng ngày mà mỗi người có thể phải đối phó trong đời mình thật nhiều - nào đói kém, thất nghiệp, phạm pháp, mất an ninh, thác loạn thần kinh, đủ loại bệnh dịch, ma túy, điên loạn, tuyệt vọng, khủng bố - tất cả những thứ ấy đều phát sinh từ cái hố phân chia các dân tộc, cái hố đó ngày càng sâu thêm và đừng quên là nó nằm ngay trong lòng các quốc gia giàu có.

[Quan điểm của] Phật giáo thật vô cùng minh bạch và dứt khoát đối với tình trạng đó, kinh nghiệm từ ngàn xưa của giáo lý nhà Phật cho thấy tất cả đều liên hệ với nhau không có gì tách rời ra được [nguyên lý tương liên, tương kết và tương tạo của mọi hiện tượng]. Vì thế hãy tìm cách giảm bớt sự cách biệt ấy đi.

Con người, xe cộ và vàng đen

Hàng triệu và hàng triệu xe cộ ngược xuôi khắp nơi trên thế giới. Thiếu xăng xe hết chạy. Khi nào còn nhiên liệu, con người sẽ còn tiếp tục di chuyển bằng xe cộ, thế nhưng khi nào không còn xăng con người phải đưa lưng ra cõng những chiếc xe to tướng đó [gánh chịu sự ô nhiễm của xe phế thải].


Tạo ra thêm sự khác biệt là một mối nguy hiểm

Chủ trương kỳ thị căn cứ vào những khác biệt bên ngoài - văn hóa, ý thức hệ, tôn giáo, chủng tộc, xã hội - là nguyên nhân mang lại đủ mọi thứ khổ đau cho nhân loại. Chỉ cần thổi phồng một chút khác biệt nhỏ nhoi cũng đủ làm cho bầu không khí xã hội bùng cháy. Đối với tình trạng chính trị chung trên thế giới cũng thế, những bất đồng thật nhỏ nhoi cũng có thể mang lại những sự cố không kiểm soát được [chiến tranh].

Tính cách máy móc của người Tây phương

Nhiều bản sắc của xã hội Tây phương làm tôi rất khâm phục, chẳng hạn như sự năng động, sức sáng tạo, sự thèm khát hiểu biết. Thế nhưng sự ngưỡng mộ đó của tôi không tránh khỏi một vài vết hoen ố. Thật thế đôi khi tôi cảm thấy lo ngại vì thấy người Tây phương thường suy nghĩ bằng cách phân biệt trắng với đen, đồng ý và chống đối, họ quên mất hiện tượng tương liên và bản chất tương đối của các sự kiện, họ không để ý đến khu màu xám [giữa đen và trắng] nằm vào giữa hai quan điểm khác nhau.

Các biên giới đều mang tính cách giả tạo

Nếu nhìn hành tinh này từ không gian chúng ta sẽ không nhận thấy một biên giới nào cả. Tất cả những bức tường phân chia đều giả tạo. Căn cứ vào màu da, địa lý hay nguồn gốc lịch sử chúng ta hình dung ra sự khác biệt và từ đó sinh ra chỉ trích, xung đột kể cả mang lại chiến tranh. Một tầm nhìn bao quát hơn sẽ cho thấy chúng ta đều là anh chị em với nhau.

Sự cô lập giữa các quốc gia

Cô lập không tốt cho một quốc gia. Thật ra trên thực tế không thể thực hiện được sự cô lập. Trong tiền bán thế kỷ này, dân tộc Tây tạng ít giao tiếp với các dân tộc khác và các trào lưu tư tưởng khác, điều đó thật đáng tiếc. Thời gian đã bỏ quên Tây tạng khiến gần đây nó phải bừng tỉnh trong sự phũ phàng. Thế nhưng trong khi đó một số các quốc gia Hồi giáo vẫn giữ nguyên tình trạng từ trước hoặc còn khép kín hơn nữa. Trên bình diện tổng quát tình trạng cô lập của các quốc gia giảm bớt nhiều trên toàn thế giới. Trong hai mươi năm gần đây tôi viếng thăm rất nhiều quốc gia nơi nào người ta cũng bảo với tôi: "Ngày nay chúng tôi hiểu nhau hơn".




Sự tiến bộ mang con người đến gần với nhau hơn

Thế kỷ này thật tiến bộ. Nhiều phương tiện kỹ thuật được phát minh đã thu nhỏ hành tinh này giúp con người gặp gỡ và tìm hiểu nhau dễ dàng hơn. Thật vậy thế giới thu hẹp là một cơ duyên may mắn. Hôm nay tôi đang ở Los Angeles, sáng mai tôi đặt chân xuống Madrid, hoặc chỉ cần từ sáng đến tối cũng có thể đưa ta từ lục địa này sang lục địa khác. Vì thế lúc nào tôi cũng nghĩ chúng ta đâu có gì khác biệt, tất cả đều thuộc vào cộng đồng nhân loại.

Sự vô trách nhiệm của con người

Vào tiền bán thế kỷ này, con người chưa biết ý thức trách nhiệm của mình đối với hành tinh này. Nhất là tại Tây phương các xưởng máy mọc lên như nấm lấn chiếm khắp nơi, phóng thải các thứ cặn bã ra môi trường chung quanh. Thật ngạc nhiên, lúc bấy giờ chẳng một ai ý thức sự nguy hiểm đó. Hàng loạt sinh vật bị tận diệt ào ạt như một làn sóng.

Thật là một hiện tượng chưa hề thấy từ sáu mươi lăm triệu năm [tức là vào cuối thời kỳ "Phấn thạch" (Cretaceous) cách nay 65 triệu năm xảy ra một biến cố địa chất trọng đại (có thể do các thiên thạch thật lớn rơi xuống địa cầu làm cháy rừng, khói và bụi mù che lấp ánh sáng mặt trời) làm tận diệt tất cả các giống khủng long và hàng loạt các loài sinh vật khác - ghi chú của người dịch], sự tận diệt hàng loạt các loài sinh vật làm bất cứ một người Phật giáo nào cũng phải kinh sợ.

Lớp đất mầu mỡ biến mất dần

Trước đây, người ta không hề nghĩ đến các hậu quả lâu dài vì nghĩ rằng tác động của những hậu quả ấy không đáng kể. Thế nhưng khoa học và kỹ thuật chứng minh cho thấy chúng ta trước đây từng phung phí quá mức những gì tốt đẹp trên địa cầu và ngày nay đang phải gánh chịu những đổ vỡ kinh khủng nhất. Sự hăm dọa của vũ khí hạt nhân và tình trạng môi trường bị tàn phá thật vô cùng nguy ngập. Thế nhưng cũng có những mất mát khó nhận biết hơn - tôi muốn nói đến tài nguyên thiên nhiên đang cạn dần, nhất là các vùng đất mầu mỡ biến mất ở nhiều nơi - đấy là những hậu quả tàn phá thật kín đáo và nguy hiểm vì khi ý thức được thì mọi sự đã quá muộn.

(Còn nữa)

Đức Datlai Latma
 
Xem thêm:

Thế giới của chúng ta ngày nay P4

Thế giới của chúng ta ngày nay P5

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]