Thọ thực và Chánh mạng

22/09/2024 05:03 PM

Trong hành trình của một đời người, chúng ta đã thọ nhận vô lượng thứ từ thế giới bên trong và bên ngoài, để từ đó, hình thành nên một kiếp nhân sinh. Có tiến tới giác ngộ và giải thoát hay không, hay tiếp tục vòng luân hồi sinh tử, chính là phụ thuộc vào việc chúng ta có tỉnh thức để thọ nhận như thế nào?

Phật có nói tới bốn loại thọ thực là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.

1. Đoàn thực, là loại thức ăn đưa vào đường miệng và sử dụng lưỡi để cảm nhận.

Để bảo vệ sức khỏe của thân tâm, ta phải biết phân biệt những thức ăn có độc tố, những thức ăn có công năng nuôi dưỡng và trị liệu, những thức ăn gây ra bệnh tật… Ta ăn như thế nào để cho thân thể mà ta nhận được từ tổ tiên và cha mẹ không bị đau yếu và tàn phá. Đoàn thực là một cách trực tiếp để nuôi thân. Ta có đạt được chánh mạng hay không, tuỳ thuộc vào việc ta có chánh niệm và quán chiếu khi đoàn thực như thế nào.
 

Sau đây là lời Phật trong kinh Bốn loại thức ăn nói về quán chiếu về đoàn thực:

“Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? 

Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết”. Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.

“Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?

“Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Bụt lại hỏi: “Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?” Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.”

 “Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này”.

 
2. Xúc thực, là những gì ta tiêu thụ bằng năm giác quan còn lại: mắt, tai, mũi, thân và ý.
 
Những gì ta thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, xúc chạm bằng thân và tác ý đều là những thứ ta thụ nhận và tác động đến tâm. Hình ảnh, âm thanh, hương vị, xúc chạm và ý tưởng mà ta tiếp thu hàng ngày, làm thế nào phải có tính dưỡng tâm lành mạnh.
 
Nếu những thứ ấy có yếu tố tiêu cực như thèm khát, bạo động, kỳ thị, hận thù và tuyệt vọng thì tâm ta sẽ bị tàn phá. Một khi ta đưa chúng vào tâm, chúng trở thành những Tùy miên (asrava) trong tiềm thức, nghĩa là những chất liệu độc hại tiềm tàng trong chiều sâu tâm thức.

Những tùy miên (tùy là đi theo, miên là ngủ) này thường phát lộ và trở thành nội dung của dòng tâm thức hàng ngày, thúc đẩy hoặc lôi kéo ta đi về phía xấu xa. Truyện Kiều có câu: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Chìa khoá giúp ta tỉnh táo để nhận biết điều đó chính là chánh niệm.
 

Kinh Bốn loại thức ăn nói về quán chiếu khi xúc thực:
 
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? 

Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể.

Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong”.


3. Tư niệm thực, là mong ước và hoài bão sâu sắc nhất của mỗi chúng ta.

Như lòng yêu nước, thương nòi, có chí hướng giúp đời, muốn làm lành mạnh xã hội,… Đây là những người đang có một nguồn tư niệm thực lành mạnh và nẻo về của họ là nẻo về của một vị bồ-tát. Họ không chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc. Họ có một lý tưởng cao đẹp.
Nếu đó là ước muốn chạy theo sắc dục, danh vọng, quyền hành và tiền bạc, thì bạn đang có một nguồn tư niệm thực độc hại, nó đang thúc đẩy bạn đi về những nẻo khổ đau. Nhìn cho thật kỹ, ta sẽ thấy có rất nhiều người đã và đang tàn phá thân tâm của họ trên con đường chạy theo dục lạc.
 

Kinh Bốn loại thức ăn nói về quán chiếu về tư niệm thực:
 
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về tư niệm thực như thế nào? 

Ví dụ có một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. 

Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ thôn làng ấy mà đi. Về tư niệm thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong”.


4. Thức thực, là ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng và của môi trường trong đó ta đang sống trên tâm thức của ta.
 
Nếu ta sống trong một môi trường trong đó hầu hết mọi người đều có một nguồn tư niệm thực không lành mạnh, tâm thức ta sẽ bị ảnh hưởng, và sớm muộn gì ta cũng sẽ mong muốn, hành xử theo cách thức của những người chung quanh. 
 
Ở trong một môi trường xấu, những hạt giống xấu như thèm khát, bạo động và căm thù trong ta thường xuyên bị tưới tẩm, trong khi những hạt giống lành mạnh như hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung, không có một cơ hội nào. 
 
Vì vậy ta phải nhìn lại môi trường của ta, và nhìn lại những người ta tiếp xúc hằng ngày. Nếu ta có bạn tốt, đi trên con đường lành mạnh, ta sẽ được các bạn ta che chở và dìu dắt. Ta phải có can đảm rời bỏ được môi trường xấu và chấm dứt liên hệ với những người đang kéo ta đi về những nẻo đường xấu. 
 

Kinh Bốn loại thức ăn nói về quán chiếu về thức thực:
 
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ quán chiếu về thức thực như thế nào? 

Ví dụ quân lính canh tuần của vị quốc vương kia vừa bắt được một tên đạo tặc, trói người ấy lại và điệu tới nơi vua. Vì tội trộm cướp, kẻ đạo tặc bị phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân hình mình ba trăm mũi giáo, đau đớn khổ sở suốt cả đêm ngày. Về thức thực vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực rồi thì cũng sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải dụng công gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.”

 
Theo Làng Mai
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]