Thế giới của chúng ta ngày nay P1
Thế giới của chúng ta ngày nay P2
Thế giới của chúng ta ngày nay P3
Thế giới của chúng ta ngày nay P4
[Phần 5]
Người bảo vệ đích thực cho hòa bình
Tại các xã hội tân tiến, hệ thống cảnh sát dù được tổ chức thật tinh vi và được trang bị các phương tiệnkỹ thuật thiện đại, thế nhưng nạn khủng bố vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Một mặt, nhiều phương tiện tối tân được áp dụng để ngăn chận khủng bố, mặt khác nhiều đòn độc hại tinh vi hơn được tung ra để vô hiệu hóa các phương tiện ngăn ngừa và tiếp tục gây ra tội ác. Người bảo vệ đích thực cho hòa bình là chính mình.
Nền văn minh Tây phương
Nền văn minh Tây phương thực hiện được những bước tiến ngoạn mục trên lãnh vực vật chất. Nếu nền văn minh đó phát triển trên cả hai phương diện vừa tâm linh vừa vật chất, nhất định nó sẽ chiếm giữ một vị thế ưu việt trong thế giới tân tiến ngày nay. Nếu con người không biết phát triển nội tâm sẽ tự biến mình thành chiếc bánh xe của một bộ máy, một kẻ nô lệ cho vật chất. Như thế con người có còn là con người hay không, hay chỉ là một tên gọi?
Bộ não say mê quyền lực của người Tây phương
Người Tây phương bắt bộ não phải làm việc thật nhiều, có thể nói là quá nhiều, thế nhưng mục đích của sự làm việc ấy lại rất đơn giản: chỉ cần đến hiệu quả. Do đó tâm thức trở thành một công cụ phục vụ cho tiêu chuẩn năng suất. Nếu tâm thức làm công việc của người đầy tớ nó sẽ không bảo tồn được sự tự do của nó. Con người sáng chế ra đủ mọi thứ vật dụng làm kinh ngạc cả chính mình. Tất cả mọi lãnh vực lạc thú đều được tận lực khai thác nhằm mục đích mang lại sự thỏa mãn.
Con người say sưa trước quyền năng của chính mình đối với mọi vật thể chung quanh. Dưới một khía cạnh nào đó, một khi kỹ thuật đã xâm nhập quy mô vào bất cứ nơi nào thì cũng khiến cho đời sống tâm linh mang tính cách siêu thoát và sâu xa của nơi đó bị suy yếu đi, không còn đủ sức để giải thoát con người khỏi áp lực của năng suất. Chúng ta cần tăng cường sức mạnh tâm linh hơn là tìm cách gia tăng hiệu năng của kỹ thuật.
Ảo ảnh Tây phương về kỹ thuật
Thời buổi ngày nay, tất cả các quốc gia Đông phương đều tìm đủ mọi cách chạy theo các tiêu chuẩn kỹ thuật Tây phương. Những người Á đông chúng ta, chẳng hạn như những người Tây tạng và trong số này có cả tôi, khi nhìn vào nền kỹ thuật Tây phương chúng ta mơ tưởng nếu phát triển được các tiến bộ vật chất như thế, dân tộc chúng ta nhất định sẽ đạt được một thứ hạnh phúc lâu bền nào đó.
Thế nhưng khi thăm viếng các nước Âu châu và Bắc Mỹ tôi mới thấy ẩn nấp phía sau cái vẻ bên ngoài ấy sự bất hạnh, đời sống tâm linh thật nghèo nàn và người dân lúc nào cũng bị giao động tinh thần. Điều đó chứng tỏ sự tiến bộ đơn thuần về vật chất không đáp ứng đầy đủ được khát vọng của con người.
Kỹ thuật tự nó không hàm chứa một tội lỗi nào
Không có gì sánh được với kỹ thuật vì kỹ thuật mang lại kết quả tức khắc, không giống như khi ta cầu nguyện! Tôi xin lập lại thật rõ: kỹ thuật tự nó không có gì tồi tệ. Nó không mang một thứ tội lỗi nào. Sự tiến bộ vật chất và sự hiểu biết nói chung cũng thế không mang một thứ tội lỗi nào cả. Thế nhưng tâm thức con người có đủ khả năng theo kịp và thích ứng với kỹ thuật ấy hay không, có đủ sức cưỡng lại sự mê hoặc của nó hay không?
Thế nhưng nếu kỹ thuật mang con người đến gần nhau thì sao?
Kỹ thuật phát sinh từ thế giới Tây phương lan tràn khắp mặt địa cầu. Tôi thành thực nghĩ rằng kỹ thuật không phải là gia tài riêng của Tây phương, mà chung cho tất cả mọi người. Biết đâu kỹ thuật cũng có thể đưa chúng ta đến gần nhau hơn và giúp chúng ta hội nhập với nhau?
Thật vậy bất cứ sự phân tán nào cũng mang lại nguy hại. Kỹ thuật cũng chỉ là một phương tiện như bất cứ một phương tiện nào khác. Một người sáng chế ra một thứ gì đó ích lợi tất cả mọi người đều được thừa hưởng.
Mưu cầu hạnh phúc
Phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, giáo dục và giảng dạy, các thể chế xã hội, thủ công nghiệp, trường học, bệnh viện, cơ xưởng, tiến bộ y khoa..., tất cả đều nhắm vào một mục đích duy nhất: tìm thấy hạnh phúc, loại bỏ khổ đau. Tất cả sự sống trên thế giới đều hướng vào mưu cầu đó.
Vô minh, tham lam, khinh miệt làm bại hoại cả hành tinh này
Như chúng ta thấy các hành vi bất chấp các giá trị nhân đạo đang đe dọa hòa bình và sự sống trên địa cầu. Sự tàn phá môi trường và các tài nguyên thiên nhiên là hậu quả của vô minh, tham lam và thiếu kính trọng con người và sự sống.
Sự thiếu kính trọng đó sẽ còn ảnh hưởng đến các thế hệ con cháu sau này, nếu nền hòa bình toàn cầu không được tái lập và sự tàn phá môi trường vẫn tiếp tục như hiện nay con cháu chúng ta sẽ thừa hưởng một hành tinh điêu tàn.
Sự khiếm khuyết của con người
Tự hãnh diện cho mình hành động vì lý tưởng, mang lại lợi ích cho người khác, nêu cao giá trị hòa bình, tình thương và công lý, thế nhưng khi mọi việc không thành thì lý tưởng đó chẳng mấy chốc chuyển thành sự đàn áp và đưa đến chiến tranh. Hành vi dối trá đó không dấu diếm được ai cả và cho thấy con người có một sự khiếm khuyết nào đó.
Cội rễ của thế giới này đã thối nát
Hãy nhìn vào những gì đang xảy ra trong thế giới này mà người ta vẫn tự phụ cho là "văn minh". Từ hơn một ngàn năm nay thế giới từng ra sức tìm kiếm hạnh phúc và xóa bỏ khổ đau, thế nhưng những mưu cầu đó lại sử dụng các phương pháp sai lầm: lường gạt, tham nhũng, hận thù, lạm dụng quyền lực, khai thác con người...
Thế giới này chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc vật chất và cá nhân bằng cách xúi dục người này chống người kia, sắc dân này chống sắc dân khác, hệ thống xã hội này chống hệ thống xã hội khác. Sự nghèo đói hoành hành tại Ấn độ, Phi châu và các quốc gia khác không phải vì tài nguyên thiên nhiên thiếu kém mà chỉ vì mỗi người chỉ biết tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình, họ không hề tỏ ra một chút ngại ngùng khi cần phải áp bức người khác. Thế giới này phải gánh chịu hậu quả từ những hành vi đáng tiếc và tồi tệ đó.
Cội rễ của thế giới đã thối nát, chúng ta đang phải gánh chịu khổ đau, nếu tệ trạng cứ tiếp tục thế giới này sẽ còn đau khổ nhiều hơn nữa.
(Còn nữa)
Đức Datlai Latma