Có nhiều cách nhìn nhận và phân chia các loại khổ. Quán chiếu ngũ uẩn để phân tích quá trình từ nhận thức đến hành vi, Đức Phật chỉ ra có 3 loại khổ:
Khổ tự nhiên: Nỗi khổ do tự nhiên mang lại, như một sự tất yếu, thường đến từ các yếu tố bên ngoài (điều kiện khách quan), có thể là tự nhiên và xã hội. Nó tác động vật lý vào thân thể vật chất (sắc uẩn) của con người (chúng sinh) hoặc ảnh hưởng tâm lý tới nhận thức và hành vi dẫn đến khổ thọ. Đó có thể là thời tiết, ngoại vật… ảnh hưởng tới phần thân xác tứ đại, sinh ra tứ khổ (sinh, lão, bệnh, tử).
Về tâm, đó có thể là những ràng buộc, bám chấp... từ những yếu tố xã hội bên ngoài làm cho tâm thức bất ổn, thiếu sáng suốt. Điển hình của loại khổ này là: Sở cầu bất đắc (muốn mà không được), Ái biệt ly khổ (thương mà phải chia ly), Oán tắng hội khổ (không ưa vẫn phải ở cùng), Thủ ngũ uẩn (sự xung đột của các uẩn).
Loại khổ này hết sức quan trọng với đời sống của các chúng sinh có giác cảm. Để từ đó, họ nhận biết, học hỏi, trải nghiệm thế giới khách quan.
Khổ quả: Nỗi khổ do hậu quả của (một hoặc nhiều) nhận thức và hành vi sai lầm, thường ban đầu xuất phát từ yếu tố nội tại, tích tụ đủ năng lượng (duyên) thì gây ra những hậu quả bất lợi. Biểu hiện của nó mạnh ở phần tâm (thức uẩn) qua các trạng thái như buồn, giận, sợ, lo.
Loại khổ này cũng rất cần thiết để giáo dục buộc chúng sinh phải điều chỉnh lại nhận thức và hành vi. Thọ khổ do chính mình tạo ra, nên chúng sinh không muốn sa vào các trạng thái trên thì cần cảnh giác, thức tỉnh; rồi khắc phục và sửa chữa.
Khổ ảo: Nỗi khổ do tư tưởng sinh ra, do ngũ độc (tham, sân, si, mạn, nghi) gây ra. Thực tại có thể đang hoàn hảo (bình thường) nhưng do tưởng uẩn phóng tác, mà sinh ra các tác ý và hành vi không thực tế, tự làm khổ mình.
Trong các loại khổ ảo điển hình có tam khổ: khổ khổ (khổ do tự nhiên + khổ do tâm sân), hoại khổ (khổ vì tâm vô thường, nhanh có sự nhàm chán), hành khổ (khổ do tâm không yên, luôn tác ý theo nghiệp lực).
Loại khổ này giúp cho con người quay trở về thực tại, không bám chấp, tỉnh thức nhận biết thực tại và dần dần loại bỏ ngũ độc để giác ngộ, giải thoát.
Theo ý thầy Viên Minh