Thế giới của chúng ta ngày nay P1

13/05/2019 05:56 PM

Thế kỷ XX mang một tầm quan trọng rất lớn trên bình diện lịch sử của toàn thể hành tinh này. Một cuộc đua tranh toàn bộ và ráo riết đã và đang xảy ra giữa hòa bình và chiến tranh, giữa sức mạnh tâm linh và vật chất, giữa dân chủ và độc tài.

[Phần 1]

Quy luật của thế giới

Yêu - ghét, lợi - hại, khen - chê, vinh - nhục là tám mối lo toan chính yếu trói buộc sự sống của con người trong thế gian này.

Các diễn viên của lịch sử

Lịch sử nhân loại nhìn từ một khía cạnh nào đó chính là lịch sử của tư duy con người. Các biến cố lịch sử, chiến tranh, sự tiến bộ về mọi mặt, các thảm kịch..., tất cả phản ảnh bản chất hoặc tiêu cực hoặc tích cực của tư duy con người. Các danh nhân, các nhà cách mạng, các tư tưởng gia..., đều là các vĩ nhân đại diện cho những tư duy tích cực. Thảm kịch, bạo ngược, chiến tranh tàn khốc... phát sinh từ những tư duy tiêu cực.

Tóm lại những gì xứng đáng cho con người quan tâm chính là những tư duy tích cực mang lại sức mạnh cho mình và làm giảm bớt các tư duy tiêu cực. Nếu cứ mặc cho sự giận dữ, hận thù tha hồ hoành hành chúng ta sẽ đánh mất tất cả. Nếu biết suy nghĩ thì nào có ai mong muốn sự mất mát.

Thế kỷ XX

Thế kỷ XX mang một tầm quan trọng rất lớn trên bình diện lịch sử của toàn thể hành tinh này. Một cuộc đua tranh toàn bộ và ráo riết đã và đang xảy ra giữa hòa bình và chiến tranh, giữa sức mạnh tâm linh và vật chất, giữa dân chủ và độc tài.

Trong phần sau của thế kỷ sức mạnh hòa bình đang thắng thế. Sự kiện đó đã xác định sức mạnh của tinh thần bất-bạo-lực mà Mahatma Gandhi và Martin Luther King đã quảng bá. Dù là một siêu cường trang bị vũ khí có sức tàn phá khủng khiếp chủ trương chính sách thù nghịch, thế nhưng trên thực tế vẫn phải khép mình trước sức mạnh của bất bạo động. [đây là những phát biểu của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong bối cảnh hậu bán thế kỷ XX]

Các lãnh tụ ngày nay.

Ngày nay người ta nhận thấy các nhà lãnh đạo trên thế giới thật vô cùng can đảm họ dám thực hiện những điều xấu xa. Thật ra đấy cũng không phải do họ cố ý, tất cả chỉ vì họ quá sức mưu mẹo và khôn lanh mà ra. Tôi nghĩ rằng các thể chế chính trị tệ hại tức là những thể chế không được xây dựng trên công lý, đều phát xuất từ những quan điểm thiển cận. Nếu các chính trị gia có một tầm nhìn thiển cận đương nhiên họ cũng chỉ đủ sức để nhìn thấy những giá trị thiển cận và hời hợt. Có lẽ vì thế mà họ có đủ "can đảm" để thực thi những việc thật tồi tệ.

Chiến tranh chỉ là một cuộc tàn sát

Thật vô cùng nguy hiểm nếu không nhìn thấy khổ đau của chúng sinh có giác cảm, dù là bất cứ chúng sinh nào. Ngay trong thời kỳ chiến tranh, cũng nên nghĩ đến nỗi khổ đau của người khác - kể cả đối với người mà ta muốn trừng phạt, dù điều đó có làm cho ta bực dọc [vì bắt buộc phải thương hại kẻ thù].




Chiến tranh chỉ là một cuộc tàn sát. Ngày nay tính cách máy móc của chiến tranh trở nên tệ hại hơn nhiều. Nếu chiến tranh cố tình làm ngơ trước khổ đau của người khác trong mục đích vơ vét một số lợi lộc vụn vặt lại còn tệ hại hơn nữa.


Những tiện nghi vật chất quá đáng

Phần lớn những khó khăn trên thế giới phát sinh từ các mục tiêu vật chất quá cao của các quốc gia phát triển [lấn lướt các giá trị tinh thần]. Các quốc gia này gây ra hiểm họa tàn phá tài nguyên thuộc di sản chung của nhân loại [ngụ ý những tài nguyên tinh thần], những tài nguyên ấy trong quá khứ đã từng khuyến khích con người biết giữ sự liêm khiết, biết thương người, và nhất là khuyên con người biết quan tâm đến lãnh vực đạo đức và tinh thần.

Mang lại hòa bình bằng cách biến cải nội tâm

Khí giới không phải chỉ để cất vào thùng, khi đã được sản xuất thì sớm muộn cũng sẽ có người sử dụng.

Nếu vũ khí thật sự giúp cho chúng ta mang lại hòa bình lâu dài quả thật không có gì đáng mừng hơn, chúng ta hãy biến các nhà máy thành các cở xưởng sản xuất vũ khí ngay đi. Chúng ta hãy dồn hết vốn liếng để chế tạo vũ khí, nếu tin chắc nhờ đó chúng ta sẽ thực hiện được hòa bình lâu dài. Thế nhưng đấy là một sự không tưởng.


Xây dựng hòa bình bằng cách biến cải nội tâm của chính mình là những gì vô cùng khó khăn, thế nhưng đấy là cách duy nhất có thể mang lại một nền hòa bình lâu dài trên thế giới. Tôi nghĩ rằng dù trên thực tế và trong thâm tâm của mỗi người hướng nhìn đó khó có thể mang ra thực hiện, thế nhưng chúng ta cũng nên cố gắng thử xem sao. Vì thế mỗi khi đến bất cứ nơi nào tôi cũng nói lên quyết tâm ấy.

(Còn nữa)
 
Đức Datlai Latma

 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]