Ở trường học, thầy cô chỉ dạy về các nguyên lý, công thức toán học phổ quát, mỗi học trò phải tự ứng dụng để giải bài toán riêng của mình. Cũng vậy, trong cuộc sống, khi có hiểu biết về các chân lý (nguyên lý vận hành của chân lý), thì mỗi người vẫn phải tự khám phá sự thật thông qua chính trải nghiệm và chiêm nghiệm của riêng họ.
Dù nguyên lý vận hành của chân lý là bất biến, nhưng bài toán cuộc đời mà mỗi người phải giải lại hoàn toàn khác nhau. Vì thế, không thể bê nguyên nguyên lý vào áp dụng cho bài toán, mà phải tự tìm tòi khám phá, phải trải qua rất nhiều sai lầm, bầm dập, thì cuối cùng chúng ta mới ngộ ra. Và khi đó, sự ngộ ấy mới thực sự sâu sắc, mới thực sự thấm thía.
Có người hỏi tại sao có người lại cứ phải giải đi giải lại một bài toán nhiều đến vậy. Đó có thể là bài toán về sự nghiệp, bài toán về hôn nhân, bài toán về sợ hãi,... Chỉ có một lý do là vì họ vẫn chưa thực sự thông suốt. Và vì chưa thông suốt nên pháp sẽ tiếp tục mang đến cho họ bài học tương tự để họ phải tự giải một lần nữa hay thậm chí là nhiều lần nữa cho đến khi học xong một cách rốt ráo mới thôi.
Đức Phật cũng đã phải trải qua a tăng kỳ kiếp mới giác ngộ, và trong chặng đường trải nghiệm ấy, ngài đã trải qua đủ mọi cõi giới, băng qua mọi khổ đau ách nạn, hỷ nộ ái ố. Bởi sự giác ngộ không phải là đặc ân của bất cứ ai. Nó đòi hỏi con người phải nhìn ra được mọi mặt, mọi cung bậc của đời sống.
Nếu chỉ có khổ đau mà chưa có hạnh phúc thì vẫn chưa thể giác ngộ. Nếu sống trên "thiên đường" mà chưa xuống địa ngục thì vẫn chưa thể có cái biết toàn vẹn. Vì thế, khi thông suốt được điều này, bạn sẽ không còn trách móc vì sao mình khổ, vì đây là bài toán cuộc đời cần thiết để nhận thức của bạn được phát huy. Và chỉ khi nhận thức phát huy, thì trí tuệ của bạn mới có thể phát huy được.
Nếu bạn đang dằn vặt chính mình, đang tự làm khổ chính mình, thì cứ làm khổ, cứ dằn vặt để nhận ra sự dằn vặt và tự làm khổ ấy khiến bạn như thế nào, khiến bạn sống ra sao, đến khi đạt đến một đỉnh điểm của sự dằn vặt và tự làm khổ, rồi bạn cũng nhận ra rằng tất cả đều là cái ta ảo tưởng tự huyễn hoặc tự vùi mình vào bóng đêm.
Cuộc sống kỳ lạ ở chỗ, ta là người tự làm khổ mình, và cũng chính ta chứ không ai khác, giải cứu ta khỏi việc tự làm khổ chính mình ấy. Ta là bóng tối, và ta cũng chính là ánh sáng tự soi đường, cho đến khi ta vượt lên chính bóng tối và ánh sáng ấy.
Trang Ps