Thế giới luôn chuyển biến và mọi chuyển biến đều có nhiều nguyên nhân, kể cả các nguyên nhân khó thấy. Đó là quy luật Duyên khởi về đời sống. Chúng ta không thể biết hết tất cả các yếu tố tác động lên một hệ thống vĩ đại, trong đó chúng ta đang sống.
Nhưng điều rõ nét nhất là phần lớn nguyên nhân đều do con người gây nên. Dịch bệnh không phải là thiên tai như sóng thần hay động đất mà con người là tác nhân trực tiếp. Còn hệ thống chính trị và kinh tế xã hội thì quá hiển nhiên, con người đã xây dựng lên nó.
Một loại virus với cấu trúc đơn giản, không nhìn thấy bằng mắt thường, đã làm đảo lộn thế giới. Liệu đây có phải là sự trừng phạt của đấng tạo hóa, khi con người với sự tham lam, ích kỷ… dẫn tới sự vô minh, đã tàn phá tự nhiên một cách quá đáng, vượt ngưỡng chịu đựng, khiến tự nhiên phải có những phản ứng để tự cân bằng.
Đấng tạo tác đã vung roi trừng phạt, vì con người đã đi quá giới hạn. Tuy thế giới đang đối mặt với thảm họa, nhưng xét ở mặt khác, thì đây có thể là cơ hội cho con người thức tỉnh, nhận thức lại về cách thức sinh tồn, lối sống tham lam ích kỷ, tiêu dùng quá mức, mà lòng tham con người thì không có giới hạn.
Thiên nhiên vốn rộng lòng. Một điều thú vị hiếm hoi trong thời kỳ này là thông tin về bầu không khí tại Vũ Hán và dòng nước xanh tại Venise (Ý). Chỉ sau vài tuần vắng bóng công nghiệp, bầu trời Vũ Hán vô cùng trong xanh như không ảnh cho thấy, so sánh với thời gian trước đó đen kịt một màu. Tại Venise, thủ đô du lịch của Ý, nơi mà du khách chê trách chất nước ngầu đục hôi hám trong các kênh rạch, cũng sau vài tuần vắng người, dòng nước xanh trong đã hiện ra, nhìn đến đáy, với cơ man nào là cá.
Tại Việt Nam, trong vài tuần qua, khi Chính phủ chủ trương đóng cửa biên giới, tạm dừng kinh doanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông giảm, các chỉ số ô nhiễm môi trường lập tức tốt lên rất nhiều.
Những ai còn có lương tâm cần phải động lòng suy nghĩ trong đại dịch. Có lẽ chúng ta đã quá tàn phá thiên nhiên, sinh hoạt đã quá vô độ. Về mặt chính trị, các quốc gia đều quá ích kỷ, cho quyền lợi quốc gia mình là trên hết. Về mặt kinh tế, chúng ta đều quá chạy theo lợi nhuận, lấy con số tăng trưởng để làm thành tích, bất kể môi trường. Về mặt xã hội, chúng ta đều lấy tự do cá nhân làm chuẩn mực, coi thường cộng đồng và tha nhân.
Tất cả những thứ đó đã sinh ra các nhà lãnh đạo kỳ dị, các chủ trương bất thường, các phong trào theo chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh. Dù vậy, nhiều năm qua, thế giới vẫn chưa thức tỉnh.
coitaba.net