Có thể nói rằng, khi Siddhārtha xuất gia và thọ giáo qua các môn phái thì môn phái làm ảnh hưởng Ngài nhiều nhất chính là Du Già (tức Yoga), quá trình tu chứng của Ngài ở giai đoạn đầu và cho đến khi chứng ngộ là một chuỗi phương pháp luận Du Già. Sau đó chính Ngài đã nâng cao phương pháp này lên một tầng bậc mới (Chứng Quả Niết Bàn). Chính tầng bậc này đã khiến cho các bậc sư phụ trước đây của Ngài ngỡ ngàng và quay lại xin làm đệ tử của Ngài.
Và khi Ngài nhập diệt, một số đệ tử (hậu duệ) đã tạo ra một cuộc chuyển biến lớn lao trong vấn đề xiển dương Phật Học bằng các cuộc kiết tập và thiết lập ra các ban: Kinh sư, Luật sư, Luận sư, Du-già sư… Và đây cũng là bước khởi sự lớn mạnh của Phật Giáo để dần đi đến chỗ đánh mất Đạo Phật trên diện rộng.
Du Già được nhắc đến nhiều nhất nhất trong Áo Nghĩa Thư (Upanishad), đây là phương pháp điều tâm và dưỡng năng, được chia thành nhiều cấp độ, trong đó có 5 cấp độ chính là Sattva, Satvitarka, Satvichâra, Asmitâ, Samprajnata. Và trong năm cấp độ này lại phân thành hai tuyến gồm Du Già Tướng và Du Già Tâm.
Với người chưa tu tập Du Già, phải tập tĩnh tâm để vượt qua hai cấp độ ban đầu, tức cấp độ của vật dục chi phối (Sattva) và cấp độ vật dục hiện hữu (Satvitarka). Khi vượt qua được sự chi phối của vật dục, đi đến được vật dục hiện hữu (nhưng không còn khả năng chi phối bởi tâm đã được tịnh dưỡng, điều hợp) thì đến cấp độ thứ ba là triệt định (Satvichâra), tức bỏ qua sự hiện hữu của vật dục để đào sâu vào tâm thức của mình bằng sự quán chiếu, tự nhìn vào nội thể.
Vượt qua được cấp độ này sẽ đến một cấp độ mới hơn là không cần có khái niệm “bỏ qua” trong quá trình quán chiếu bởi khi suy nghĩ bỏ qua cũng có nghĩa rằng nó vẫn hiện hữu trong tâm thức (Asmitâ). Ở cấp độ này, tâm thức con người đã đủ mạnh để kích hoạt ngọn lửa tam muội ở luân xa đầu tiên, và một khi ngọn lửa này được kích hoạt, duy trì, đến khi đủ năng lượng, năng lực, ngọn lửa này sẽ được luân chuyển qua sáu luân xa còn lại, đạt đến luân xa thứ bảy, tức Bách Hội để đạt trạng thái phát huệ, giải thoát (Samprajnata).
Khi đạt được Giải thoát, nghĩa là siêu thức con người được kích hoạt, bậc Du Già Sư (Yogi) có thể làm được một số việc mà người bình thường không bao giờ làm được. Trong đó, giác quan thứ sáu được kích hoạt, ứng hành trong mỗi giờ, mỗi phút và hằng ngày.
Thi thoảng, người bình thường cũng được kích hoạt giác quan này nhưng hiếm hoi, có người được kích hoạt trong hữu thức (tức lúc trí tuệ làm việc, mọi cơ chế sinh lý và ý thức hoạt động bình thường), như tự dưng thấy bồn chồn lo lắng về một việc không hay nào đó sắp xảy ra hoặc thấy hân hoan, vui mừng vì cảm nhận sẽ có tin vui nào đó nhưng chưa biết cụ thể là tin gì. Cũng có người được kích hoạt mạnh đến độ biết được việc gì sắp xảy ra, nhưng rất hiếm.
Một số trường hợp, giác quan này được kích hoạt trong vô thức, tức khi ngủ, nằm mơ thấy sự việc sắp xảy ra và vài ngày sau, việc đó xảy ra đúng như sự thật. Đây không phải là một phép màu thần bí hay có gì đó bất thường mà thực ra, mọi sự đã được hun đúc, lập trình sẵn trong vũ trụ, khi nó xảy ra chính là một cú nhấp chuột Enter của Thượng Đế. Và người có giác quan thứ sáu đã vô tình đọc được một số tín hiệu của chương trình sắp Enter này bởi tầng số sóng của họ tương ứng, tương hợp với tầng số sóng vũ trụ.
Khi đạt được cấp độ thứ năm trong Du Già, lúc này, vật dục không còn chi phối với bậc Du Già Sư nhưng nó cũng không bị triệt tiêu, nó vẫn hiện hữu theo cách của nó. Đây là trạng thái mà đa phần thiền sư bắt gặp và khái quát trong hai chữ “Như Như” hoặc trong một chữ “Là”.
Nhưng đây là cách tu của các Du Già Sư (Yogi). Với Đức Thích Ca, Ngài không dừng ở cảnh giới này. Ngài tiếp tục nhập thiền trong 49 ngày đêm để đi đến Đại Định, Niết Bàn (Nirvana). Và đây là trạng thái giúp cho trí huệ của Ngài đạt mức độ siêu phàm trong giới Du Già Tăng, họ buộc phải quay trở lại để xin làm đệ tử của Ngài. Với người phàm hay những đệ tử của Ngài chăng nữa, khi nhắc đến Nirvana, chỉ có thể dùng bốn chữ Bất Khả Tư Nghì để nhắc, bởi đây là trạng thái không thể nói, diễn tả bằng lời được.
Trong Mật Giáo (sau này) cũng nói đến thuyết ‘tam mật Du-già tương ưng’. Mật Giáo cho rằng, ‘tam mật Du-già tương ưng’ cũng giống như ‘tam-muội tương ưng’, tất cả đều thuận với chánh lý.
Đại nhật kinh sớ, quyển 3, có ghi:
“Khi vị giáo thọ (a-xà-lê) đã chứng đắc pháp Du-già thì bất cứ việc làm gì cũng đều tương ưng với tam-muội. Chẳng hạn, khi vị ấy dâng hoa cúng Phật, thì việc dâng hoa ấy hoàn toàn ở trong định, cho nên gọi là ‘hoa tam-muội tương ưng’, trong trạng thái tương ưng với định ấy, vị Bổn Tôn hiển hiện rõ ràng trước mắt.
Nếu vị ấy cúng hương, đèn, nước… thì việc làm ấy cũng tương ưng với định, gọi là hương tam-muội, đèn tam-muội, nước tam-muội… Mỗi mỗi việc làm tương ưng với định thì vị Bổn Tôn cũng theo đó mà hiển hiện rõ ràng trước mắt.
Như vậy, trong mỗi một duyên, mỗi một điều kiện đều là cánh cửa để đi vào pháp giới, đều thấy được thiện tri thức, vận dụng xoay tròn như vậy đều cùng tương ưng với chánh lý, không cần phải đợi đến khi gặp sự mới bắt đầu khởi quán. Nên biết rằng, người ấy (tức vị giáo thọ đã chứng Du-già) đã có thể thực hành pháp bí mật của một A-xà-lê”.
“Người nghiên cứu và thực tập pháp Du-già cũng là người khéo léo tu tập pháp tương ưng. Nghĩa là, đối với ba bộ chân ngôn, thượng, trung, hạ mỗi mỗi bộ đều thành tựu thông đạt, đều tương ưng với chánh lý, thì gọi là ‘Thiện tu du-già’.
“Lại nữa, trong pháp Tức tai (dứt trừ tai họa), có thể sử dụng pháp tu này để làm phương tiện tu tập pháp Tăng ích, Hàng phục. Hoặc trong pháp Tăng ích, cũng có thể sử dụng để làm phương tiện tu tập pháp Hàng phục, Tức tai. Trong pháp Hàng phục cũng có thể sử dụng để làm phương tiện tu tập pháp Tức tai, Tăng ích. Có nghĩa là, pháp này tương ưng với pháp kia, các pháp tương tức với nhau, nếu người nào có thể khéo léo phân biệt được thì gọi là ‘Thiện tu du-già’”.
Và, đây cũng là phương pháp tu của Đạo Phật, tức phương pháp Du Già trong suốt quá trình Ngài Thích Ca còn tại thế. Trong hàng đệ tử, một đệ tử có thể đạt được một phần nhỏ chứng quả của Thích Ca, có thể nhắc đến Ca Diếp trong câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu. Đến sau này, hầu hết các đệ tử Thiền Tông xem Ca Diếp là Nguyên Tổ Thiền và xem Đạt Ma (sau Ca Diếp 24 đời) là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa.
Nghiệt nỗi, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cho Phật Giáo bị giảm mức độ hấp dẫn ngay trên đất Ấn Độ. Bởi các đệ tử của Thích Ca đã soạn riêng những bộ kinh sách, Áo Nghĩa Thư (Upaniasad) gần như bị bỏ quên trong quá trình tu tập. Với giới tu hành ở Ấn Độ, nếu bỏ qua Upanisad thì xem nhưng chẳng còn mấy hấp dẫn. Nhưng dẫu sao thì câu chuyện vẫn chưa đến hồi gay cấn nếu như không có những cuộc kiết tập kinh sách rầm rộ và phân ban trong Phật Giáo sau này.
Bởi sự phân ban gồm Kinh sư, Luật sư, Luận sư, Du-già sư là một quá trình xã hội hóa, chính trị hóa và đưa Phật Giáo đến từng ngõ ngách cuộc sống trên thế giới. Nhưng bù vào đó, sự hiện hữu, vận hành của các Ban đều ngang nhau về mặt ý nghĩa đã khiến cho Du Già Sư trở thành một phần nhỏ không thể thiếu của Phật Giáo chứ không còn là phần thiết yếu, là xương sống của Phật Giáo nữa.
Một khi Du Già Sư không còn là xương sống, điều đó cũng có nghĩa rằng các hành giả dần vắng bóng trên con đường hoằng dương Phật Pháp và thay vào đó là nhiều bậc luận sư, nhiều bậc soạn kinh, nhiều bậc giảng sư và nhiều thầy tụng. Tất cả các vị này làm nên diện mạo Phật Giáo đang thấy. Càng về sau, do tốc độ quay của đời sống mỗi lúc một tăng, nhất là quá trình công nghiệp hóa của thế giới đã nhanh chóng lấy mất khả năng tư lự và tĩnh tại của phần đông con người, trong đó gồm cả các Phật tử.
Và khi con người quay cuồng chong chóng trong guồng máy xã hội, Du Già Tăng trở nên cô đơn với chính họ. Họ nhanh chóng trở thành bảo vật hiếm hoi của Phật Giáo. Việc các đệ tử quyết đi theo con đường của họ ngày càng trở nên vắng vẻ. “Cõi hành giả” chuyên biệt, riêng biệt và biệt lập trong lãng quên.
Trong khi đó, nhu cầu thực tế của xã hội, của thế giới loài người lại có tốc độ quay vật dục rất cao, con người trở nên nhỏ bé, sợ hãi trước mọi thứ, từ thiên tai, nhân họa cho đến chiến tranh và cái đói, sự nghèo, sự thất học, trộm cướp... Tâm lý cầu sự, cầu an trở nên thường trực. Và, lúc này, Phật Giáo không còn là điểm tĩnh (Du Già) để hướng về của Phật tử mà hầu hết các hoạt động Phật Giáo phải chạy theo, bắt kịp nhịp điệu của thế giới. Bởi một khi đã có Giáo Hội, đã có các ban bệ, chức sắc, cơ sở vật chất thì buộc phải duy trì và khuếch trương, buộc phải có những phương án để tồn tại, phát triển, tránh bị lãng quên, bỏ rơi.
Các ban Kinh sư, Luật sư, Luận sư, Du-già sư được bổ sung thêm các Giảng Sư và Nhạc Sư, các ban này chuyên thuyết pháp và làm các nghi lễ tụng niệm. Càng về sau, ban Nhạc sư càng mạnh lên hẳn bởi đây là một ban có liên quan đến các lễ lạc Phật Giáo, đặc biệt, trong các lễ cầu siêu, cầu an, ban nhạc sư đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Đây là đầu mối của việc Đạo Phật dần mất dấu trong Phật Giáo.
Bởi càng về sau, các thầy tụng xuất hiện ngày càng nhiều. Các thầy chùa đứng vai trò trụ trì với bằng cấp từ trung cấp đến cao cấp, rồi cao học Phật học ngày càng đông, kể cả Phật tử cũng đi học trung cấp, cao cấp Phật học… Người ta tự định dạng mình ở một trình độ và một chỗ đứng trong Phật Giáo, quá trình kiến chấp của Phật tử đến trong vô thức, bằng các định dạng trình độ này. Ngay cả tăng, ni cũng kiến chấp về trình độ Phật học, khả năng thu hút Phật tử cũng như chức sắc và “tuổi đạo” của mình. Thực ra, tất cả những thứ đó đều nằm ở tầng bậc thấp nhất của Upanishad.
Bởi ánh đạo vàng chỉ có trong cung bậc giác ngộ. Và để có được (dù ở cấp độ nào, đậm nhạt ra sao) ánh đạo vàng, cả tăng, ni và Phật tử đều phải chuyên tâm tu tập, không để vật dục chi phối, một khi vật dục chi phối cũng đồng nghĩa với năng lượng đen đang chi phối toàn bộ tiểu vũ trụ (con người).
Hiện tại, đừng hỏi vì sao các sư, các ni lại làm những chuyện mà ngay cả người không tu hành cũng cảm thấy xấu hổ; đừng hỏi vì sao ngày càng có nhiều người khoác áo cà sa đi tụng kinh thuê; đừng hỏi vì sao có nhiều kẻ tự xây chùa, tự đóng vai sư sãi, tự tạo ra một lớp áo huyền bí để thu hút đệ tử và họ làm giàu trên việc nhận cúng dường; đừng hỏi vì sao Phật tử ngày càng tin vào chuyện mê tín dị đoan, cả hàng chục ngàn người ra đường, đội mưa, cản trở giao thông để cầu siêu, cầu an… Tất cả những hiện tượng trên chính là sự cố Phật Giáo.
(Và có một điểm dễ nhận biết nhất là hầu hết những trường hợp này diễn ra ở Phật Giáo miền Bắc, trước và nhiều. Phật Giáo miền Nam mới xảy ra tình trạng này sau và không rầm rộ như miền Bắc. Bởi vì Phật Giáo Miền Nam ảnh hưởng và duy trì Theravada mạnh, không bị ảnh hưởng Phật Giáo Trung Hoa như miền Bắc. Nghĩa là miền Nam từng chọn con đường Du Già tăng và còn nhiều hành giả chuyên biệt).
Sự cố Phật Giáo cho thấy khả năng tu tập, tĩnh tại và tiêu giảm năng lượng đen, để chạm ánh đạo vàng (ánh sáng chân như, tỉnh thức và giác ngộ - nguyên tắc xuyên suốt và là yếu lĩnh của Đạo Phật) đã bị triệt tiêu bởi các hoạt động mù quáng và thiếu tỉnh thức của Phật Giáo. Sự hiếm hoi của các Du Già Tăng, sự thiếu vắng tư lự, suy tư, tĩnh tại và giác ngộ trong Phật Giáo, sự che lấp bởi hàng hàng lớp lớp các hoạt động mê tín dị đoan đã nhanh chóng phủ một lớp năng lượng đen, tạo ra một bầu khí quyển năng lượng đen trong Phật Giáo.
Và, các vị chân sư, các hành giả chuyên chú con đường tu tập cũng nhanh chóng trở thành cái bóng mờ trong Phật Giáo. Mà cũng có thể các bậc chân tu, các hành giả tỉnh thức chưa bao giờ tự xem/được xem là một phần của Phật Giáo với hệ thống thứ bậc, chức sắc, quyền lợi, các cơ sở hạ tầng và những chi phối vật dục.
Hay nói khác đi, đáng buồn thay, khi Phật Giáo trở thành phổ biến trong nhân loại và có tầm ảnh hưởng quốc tế, thì nguồn năng lượng chi phối Phật Giáo không phải là ánh đạo vàng mà là nguồn năng lượng đen được thổi một lớp màu kim tuyến lấp lánh hào quang Đức Giáo Chủ. Sự ngộ nhận cũng bắt đầu từ chỗ này và thế giới trở nên hỗn loạn, Phật Giáo trở nên xa rời Đạo Phật cũng từ chính chỗ này!
coitaba.net (Fb Liêu Thái)