Ví như Phật giáo hiện tiền có vẻ phát triển mạnh nhưng lại đi ngược với đạo pháp. Điều này dễ nhận biết khi ta thấy Phật Giáo phát triển mạnh lên nhưng Đạo Phật chân chính lại lu mờ.
Trước nhất, chúng ta cần phân biệt rành mạch với nhau thế nào là chân tu, thế nào là giả tu, thế nào là hành giả, thế nào là học giả, thế nào là du côn trong nhãn quan Đạo Phật và Phật Giáo. Và quan trọng hơn hết là phân biệt được các khái niệm trên thì mới có thể đi đến chỗ làm rõ thế nào là Phật Giáo và thế nào là Đạo Phật. Bởi phần đông, rất đông các thầy (gồm tu và không tu) đều nhầm lẫn hai khái niệm này.
Xin nói ngắn gọn, những người khoác áo cà sa, qui y các giới tỳ khưu và tiệm tiến khởi tỳ khưu đều là các hành giả (bắt buộc!). Họ có thể nghiên cứu thêm nhưng họ bắt buộc là hành giả, không thể lấn sân sang lĩnh vực học giả.
Bởi ngay từ đầu, các vị xuất gia đã chọn con đường Đạo Phật, đi theo bước chân của Đức Bổn Sư, đi theo con đường minh triết của Ngài (Thích Ca Mâu Ni là chữ phiên âm từ Shakyamunita – tức bậc hiền triết minh tuệ, đọc thành Shakyamuni), tự thắp đuốc mà đi, tìm chân lý từ nội thể, hoàn toàn không dựa dẫm vào bất kì tha lực nào bên ngoài. Và đương nhiên, một khi đã chọn con đường này thì mọi kiến chấp vật dục nếu còn sót lại trong tư tưởng, tốt nhất nên để tóc xanh lại, hoàn tục, trở về cuộc sống bình thường.
Chính vì nguyên tắc khắc khe (nhưng đầy ý nghĩa này) mà thời Pháp còn nguyên sơ, trong trẻo, không có hành giả nào lại tới chùa nếu không tìm chút thức ăn tạm bợ rồi lại đi. Bởi chùa (Pagoda) không phải là chỗ tu, mà nơi tu của các hành giả (đời tục gọi là Sư) là các Havira tức Tịnh Xá.
Và nguyên tắc tu hành của các hành giả không bao giờ được chấp thủ bất kì Tịnh Xá nào, đến rồi đi, đi rồi đến, dấn thân vào đời sống trong con đường Phật Pháp của mình. Nghĩa là vẫn khất thực, vẫn nhận bố thí nhưng vô sai biệt, vô phân biệt, không quan tâm chay, mặn, không quan tâm sang hèn. Hành giả chỉ có thể sống bằng con đường hành đạo và chiêm nghiệm.
Khác với hành giả, các học giả phải nghiên cứu, tìm hiểu về Đạo Phật và Phật Giáo một cách thấu đáo, tìm hiểu lịch sử của Đạo Phật và lịch sử Phật Giáo. Nếu như Đạo Phật là một con đường tư tưởng để tu hành thì Phật Giáo là một hệ thống gồm các qui tắc ứng xử của người Phật Tử, các triết thuyết đã được mã hóa thành kinh sách (bản thân Đức Thích Ca không viết bất kì cuốn kinh nào) và cả những huyền thoại về Đức Bổn Sư thông qua kinh sách.
Dân chúng đến chùa có thực sự cầu Đạo Pháp?
Chạm đến Phật Giáo (hay bất kỳ tôn giáo nào), nghĩa là đang chạm đến một tam giác đều gồm Triết Thuyết – Giới Luật – Huyền Thoại về Giáo Chủ, và chạm đến Chùa, nơi sinh hoạt tôn giáo. Điều này khác xa với Đạo. Bởi để qui chế hóa một hệ thống Phật Tử không phải các hành giả là một việc vô cùng khó khăn, không có tam giác đều này, sẽ không có Phật Giáo.
Và đã nói tới Phật Giáo, cũng đồng nghĩa nhắc tới tính xã hội hóa, tính chính trị hóa và cả tính chiến đấu của tôn giáo; nói tới chùa – nơi sinh hoạt của các Phật tử, có tính cộng đồng, tham khảo chứ không có tính tu hành riêng biệt của các hành giả.
Điều này hoàn toàn khác với Đạo Phật chỉ thực hành duy nhất con đường Giác Ngộ. Đạo Phật tại Việt Nam bị khoác thêm chiếc áo Tôn Giáo khá sớm, từ lúc mới du nhập sang nước Nam bằng cả hai con đường (Phật Giáo Nguyên Thủy ở phía Nam và Phật Giáo cách tân với danh xưng Đại Thừa ở phía Bắc đất nước). Ngay từ đầu, đã có cuộc va chạm giữa Đạo Phật với Nho Giáo cũng như các lối hành tâm linh có tính địa phương, các bậc hành giả buộc phải có những tương tác vượt ngoài sứ mệnh và chức năng của họ để tồn tại.
Và đến đời nhà Trần, mà chính xác hơn là cuối đời nhà Lý, Phật Giáo hình thành mạnh mẽ, không còn khuôn giới trong các sinh hoạt Đạo Phật nữa. Các quốc sư bàn chuyện quốc sự, chung tay với triều đình làm chuyện quốc sự, xuất hiện các chùa lớn, chùa trấn quốc, xây dựng từ các quốc tự đến chùa làng như một hệ thống các thứ bậc trong Phật Giáo. Nghĩa là các hành giả chính thức tham gia xây dựng Phật Giáo và tham gia trụ trì các chùa thay vì chuyên tâm tu hành và luân chuyển giữa các tịnh xá.
(Và đáng buồn hơn là hiện nay, các tịnh xá (thiền viện) cũng không còn giữ đúng chức năng, sứ mệnh của tịnh xá mà có một cuộc chạy đua ngấm ngầm giữa tịnh xá với chùa trong tiến trình phát dương quang đại Phật Giáo).
Và càng về sau, hoạt động Phật Giáo càng mạnh hơn trước, đa thanh đa sắc hơn trước. Đặc biệt, đến thời cận đại và hiện đại, hầu như các sinh hoạt Đạo Phật trong các hành giả bị triệt tiêu phần lớn, thay vào đó là các sinh hoạt Phật Giáo của các sư, các ni.
Và đến hiện nay, để tìm ra một bậc hành giả, chân tu là vô cùng khó, đương nhiên vẫn có nhưng rất hiếm hoi. Hầu hết các sư, ni đều sinh hoạt tôn giáo rất mạnh nhưng ngày càng rời xa Đạo Phật bởi chức năng và sứ mệnh hành giả đã bị quên lãng, thay vào đó là tiếng gọi, tham vọng chức sắc tôn giáo, danh xưng, cơ hội trụ trì, chỗ ngồi đắc địa, uy thế, uy danh…
Những ngôi chùa siêu lớn có thật sự là nơi hoằng pháp?
Tất cả những thứ này làm cho Phật Giáo mạnh lên nhưng ngày càng quên lãng Đạo Phật. Có lẽ hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Thích Ca đã nhìn thấy được rằng con đường mà Ngài tìm ra có thể trở thành một tôn giáo phổ quát trong thế giới loài người nên Ngài đã cảnh báo trước về thời kỳ Mạt Pháp (là lúc Phật Giáo mạnh nhất nhưng Đạo Phật bị lu mờ).
Có thể nhận biết sự khác nhau căn bản giữa Đạo Phật và Phật Giáo thông qua Đức Bổn Sư và các Phật Tử sau này: Đức Bổn Sư đã từ bỏ quyền lực, sự hào nhoáng vật dục, đạt vô chấp để tìm ra con đường Giác Ngộ (Đạo Phật). Còn các người xưng là đệ tử của Ngài sau này trong Phật Giáo có thể từ một người nghèo khổ, bần cố nông, trôi dạt, khố rách áo ôm... đi lên thành kẻ có quyền lực, uy lực, trụ trì, Giáo trưởng... nhờ vào phương tiện và công cụ mang tên Phật Giáo.
Những gì Đức Bổn Sư bỏ đi để tìm ra con đường Giác Ngộ thì các người xưng là đệ tử của Ngài đã mượn con đường Giác Ngộ để thu thập trở lại càng nhiều càng tốt.
Hiện tại luôn tồn tại trong giới tu hành chân chính hàng loạt các câu hỏi, mà muốn giữ gìn Đạo Pháp, đệ tử Phật phải làm rõ và tìm ra cách độ thế. Đó là, người ta hay nhắc đến hai chữ Mạt Pháp, và Mạt Pháp phản ánh được điều gì của lịch sử? Nó cho thấy Đạo Phật đang về đâu? Và liệu có còn bậc hành giả nào trong xã hội Việt Nam hiện nay? Hình ảnh các sư, ni này càng trở nên kì quặc, phản Phật Đạo và các trò chơi bẩn trong Phật Giáo ngày càng xuất hiện nhiều hơn cho thấy điều gì? Sự xuất hiện ngày càng nhiều các thành phần sư được gọi là “sư quốc doanh” cho thấy điều gì?
Phải chăng, đó chính là những điều làm tôn giáo như Phật Giáo chở nên buồn thảm?
Coitaba.net (FB Liêu Thái)