Đánh mất ngôi nhà tâm linh và câu chuyện đối vốn

09/11/2020 04:16 PM

Trong vô vàn mối nguy dẫn đến sự suy thoái của Đạo, không có mối nguy nào có tên gọi nghe rất quen thuộc và không ai không biết nhưng không thể tránh được như là Tiền.

Dù nói theo cách nào, biện giải bằng Tham – Sân – Si hoặc sự thiếu hụt về Nhân Duyên hay vì Phật Tính thấp hoặc căn cơ chưa đủ… Có hàng triệu cách lý giải nhằm che đậy một thứ duy nhất: Đạo đã chết! Tôn Giáo là một đơn vị kinh doanh, có đầu tư thu lãi như bao đơn vị khác!

Dựa trên cơ sở nào để nói rằng tôn giáo bị biến thành một đơn vị kinh doanh?

Trong giới hạn các bài viết chỉ đề cập đến Phật Giáo, thì ắt phải nói Phật Giáo là đơn vị kinh doanh, nói như vậy có mạ lị hay xúc phạm Đạo Phật không? Xúc Phạm Phật Giáo không? Xin thưa là không. 

Vì lẽ, tôi là một Phật tử thuần thành, tôi theo bà đi chùa từ năm lên ba, và trong tôi, hình ảnh Đức Bổn Sư cũng như Đức Thầy ở chùa làng với sự tĩnh tại, nghiêm mật và cả trí huệ sâu thẳm, cao vời của các Ngài luôn là một nguồn năng lượng đặc biệt cho tôi. Và với tôi, yêu Đạo Pháp, yêu Phật Giáo không có nghĩa là mù quáng chạy theo, càng không được im lặng đứng nhìn mà phải góp tiếng nói của mình dù nhỏ nhoi hay lớn lao, để góp một phần trong công cuộc tìm bản nguyên Phật Đạo.

Cái đau của Phật Giáo nằm ở chỗ bước chuyển từ Tăng Đoàn sang Giáo Hội chỉ là cái đau đầu tiên, cái đau lớn hơn gấp bội lần lại nằm ở chỗ Phật Giáo dịch chuyển từ chỗ điều hướng Giáo Hội và hướng con người đến Đạo Phật sang chỗ thụ động thu nạp tài chính và hoạt động kinh tài như một sứ mệnh tồn tại của Phật Giáo. 

Nếu như các giáo hội đầu tiên, hay nói khác đi là Phật Giáo sơ khai thiên về kết tập kinh sách, tìm đường hướng xiển dương Phật học và thiết lập hệ thống Phật Giáo trên những mảnh đất còn nguyên sơ, chưa có tôn giáo, thì hiện tại, sứ mệnh ấy đã hoàn toàn đánh mất và thay vào đó là một sứ mệnh mang tên rất hiện đại: Đối Vốn.



Sứ mệnh đối vốn đã thay thế sứ mệnh xiển dương Phật Pháp trong Phật Giáo từ khi các sư, ni hành sự như một con người bình thường và đánh mất sự tôn nghiêm của một vị thầy. Chưa dừng ở đó, sứ mệnh đối vốn chính thức hoành hành từ khi Phật Giáo trở nên nặng nề với hệ thống chức sắc và lợi lộc cồng kềnh vốn dĩ không liên quan đến Đạo Phật. 

Sở dĩ nói cồng kềnh bởi hầu hết các giới chức và tăng ni trong Phật Giáo hiện tại đều có thói quen xài tiền, không những xài tiền mà rất quan tâm đến tiền và biết vung tiền. Hiện tại, tìm ra một vị tăng, ni không quan tâm đến tiền bạc trong Phật Giáo chẳng khác nào tìm ra một vị quan thanh liêm trong hệ thống nhà nước. 

Đương nhiên là vẫn còn một số ít tăng, ni không quan tâm vật dục, chuyên tâm tu tập, cũng giống như vẫn còn một số ít quan thanh liêm. Nhưng con số đó không đáng kể cho một hệ thống.

Vấn đề căn tính Đạo Phật bị tiêu giảm và triệt tiêu khi Phật Giáo phát triển cực thịnh như hiện nay. Như vậy, Đạo Phật bị triệt tiêu ra sao và Phật Giáo phát triển cực thịnh theo chiều hướng nào? 

Đạo Phật là một con đường tâm linh, con đường này dẫn dắt người tu tập, có thể là người xuất gia mà cũng có thể là người tại gia, thậm chí là người chưa từng tìm hiểu về Đạo Phật vẫn có thể tiềm ẩn con đường giác ngộ, thậm chí giác ngộ cao hơn cả những vị trì tu. 

Vì lẽ, Đạo Phật hướng dẫn con người khai mở trí huệ, tìm đến chân như và nếu tiếp tục tinh tấn, duy trì việc tu tập vẫn có thể chạm đến Nirvana. Và muốn đi đến giác ngộ, con người cần tìm và nhìn rõ bản lai diện mục của mình. Một con người không đủ tĩnh tại, bị vật dục chi phối và cuốn theo dòng xoáy đời sống, xô bồ, ham muốn, dục vọng thì không bao giờ chạm được bản lai diện mục. 

Một khi không nhìn thấy bản lai diện mục thì đừng nên bàn về Đạo Phật.

Nhưng, Phật Giáo trong thời gian gần đây, đặc biệt là Phật Giáo Việt Nam, để tìm ra một vị sư không quan tâm vật dục quả là quá khó, việc cúng dường ồ ạt của Phật tử vô tình gieo rắc tâm tham và chấp thủ trong giới tăng ni. Và hơn nữa, với cơ chế chia tỉ lệ phần trăm cúng dường giữa Trụ trì và ban trị sự chùa đã nhanh chóng biến chùa chiền thành chỗ chia chác tiền bạc. 

Vấn đề nằm ở chỗ không thể nói rằng vì Phật tử cúng dường ồ ạt làm lung lạc giới tăng ni, mà ngay từ đầu, các tăng, ni đã không giữ đúng giới hạnh, hay nói khác đi, định nghĩa về Phật Giáo của giới này đã thay đổi, từ chỗ thiết lập Giáo Hội, nhận một ít vật chất để xây dựng cơ sở, làm ngôi nhà tâm linh, chốn đi về của Phật tử để qua đó tu tập, dẫn dắt con người đến với Phật Đạo, thì người ta quên mất chức năng ban đầu, chuyển sang một thứ quan hệ mới hơn, đó là quan hệ đối vốn giữa tăng ni và Phật tử. 

Mối quan hệ đi từ chỗ Phật tử tìm đến chùa để học đạo, tìm hiểu về Đạo Phật thông qua tăng, ni chuyển sang việc đến chùa để cúng dường, để tìm mối quan hệ gần gũi với giới tăng, ni. 

Về phía tăng, ni, thay vì giữ khoảng cách đúng mực, tinh tấn trên con đường Phật học và nhận cúng dường vừa đủ để độ nhật, việc mua sắm tiện nghi hay xây dựng cơ sở phải giao lại cho các đạo hữu, ban trị sự thì, các trụ trì luôn quan tâm tỉ lệ phần trăm cúng dường và xây dựng cơ sở hạ tầng, các sư không phải trụ trì thì dành thời gian quá nhiều cho việc cúng bái, kiếm tiền cúng dường từ các gia đình. 

Việc tu hành bị xếp vào một chỗ nào đó gần như lãng quên mà thay vào đó là các dịch vụ cúng bái để nhận tiền, nhương sao giải hạn, cầu vong, áp vong, giải vong, bắt vong, bói toán… Dòng tiền luân chảy trong các chùa hiện tại có thể lớn và ổn định hơn rất nhiều so với dòng tiền của các công ty. Trong trường hợp chùa lớn, chùa thuộc tỉnh hội thì dòng tiền chảy qua chùa sẽ tương đương hoặc lớn hơn dòng tiền chảy qua một tập đoàn kinh tế.

Và câu hỏi đặt ra cho các tăng, ni bây giờ là: Còn được mấy sư không ham tiền? Còn được mấy sư chuyên tâm tu hành? Còn được mấy sư không dành thời gian cho bằng cấp? Và trong các sư có bằng cấp, còn được mấy sư học thật, có bằng thật? 

Câu chuyện bằng cấp, chức vụ, ghế ngồi nơi cửa chùa hiện nay cũng li kì và phức tạp chẳng kém gì chuyện mua bằng bán cấp trong hệ thống giáo dục ngoài xã hội. Và các ghế quyền lực trong hệ thống nhà nước. 

Tất cả các hoạt động trên đều cho thấy Phật Giáo đã đánh mất vai trò quan trọng và tiên yếu là xiển dương Đạo Pháp. Và một khi đánh mất vai trò gốc cũng có nghĩa là đánh mất ngôi nhà tâm linh.

Các tăng, ni chỉ quan tâm đến bằng cấp Phật học và chức sắc trong Giáo hội, quan tâm đến việc xây chùa, mở rộng cơ sở hạ tầng, quan tâm đến việc cúng bái và lễ lạc, quan tâm đến việc đúc đại hồng chung và cờ xí… Các hoạt động này càng mạnh thì Giáo hội càng đồ sộ. 

Nhưng tất cả những hoạt động trên đều đáp ứng cho nhu cầu hình tướng, vật dục, đó hoàn toàn không phải là nhu cầu tâm linh, nếu không muốn nói rằng điều đó dẫn đến tâm lý mê tín dị đoan, phản Đạo Phật. Bởi con đường mà Đức Thích Ca đã tìm ra, hướng dẫn cho các đệ tử của Ngài là con đường giác ngộ, buông xả và tự chứng. Nhưng cách hành xử của tăng, ni hiện tại là cách của người chấp thủ, cố gắng thu nạp càng nhiều càng tốt, xây dựng càng hoành tráng càng hay. 

Ngôi nhà tâm linh đã bị thay thế bằng ngôi nhà hình tướng. 

Và một khi ngôi nhà hình tướng che mất ngôi nhà tâm linh, thì đương nhiên các hoạt động của Phật Giáo chỉ mang tính đối vốn, con người sợ hãi, bất an vì nhiều thứ trong đời sống, tìm đến chùa để ký gửi nỗi lo sợ, để cúng dường mà cũng là mua phước báu, cầu xin bình an, cầu xin hạnh phúc, cầu xin giàu có, chức quyền lợi lộc…Trong khi đó, Đạo Phật không phải là ngân hàng hay cửa hàng mua bán phước báu, duyên nghiệp, và tăng ni không phải là tạp vụ hay mậu dịch viên để trao đổi những thứ ấy với Phật tử.


Điều đáng sợ đang xảy ra trong Phật Giáo, đó là Phật Giáo đã đánh mất Đạo Phật và thay vào đó là các hoạt động thương mại, có tính đối vốn rất cao. Thế nên chi không thiếu người đầu tư làm giàu bằng cách xây chùa, đổi đời bằng cách cạo đầu làm thầy chùa và họ thực sự đổi đời, giàu có nhờ vào thứ dịch vụ này!

Một khi thứ dịch vụ này còn tồn tại, một khi các quan hệ hình tướng, hệ thống, địa vị, tiền bạc và bằng cấp còn là mối quan tâm hàng đầu của Phật Giáo; thì Đạo Phật không bao giờ có mặt trong Phật Giáo. Và nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến các bậc chân tu. 

Và điều này càng làm các bậc chân tu (nếu có) phải thu mình, ẩn phục, nếu còn muốn tiếp tục trên con đường đạo Pháp.

coitaba.net (Fb Liêu Thái)
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]