Quãng lặng của một hành giả

04/11/2020 04:50 PM

Việc tu hành (gồm cả xuất gia và không xuất gia) là chọn một con đường, và mãi mãi là một con đường. Người đi trên con đường có thể mang màu da khác nhau, cảm nhận màu nắng hay sắc mưa khác nhau, đón nhận cái lạnh của mùa đông và cả con nắng mùa hạ, mùa thu se sắt hay mùa xuân khai hội theo cách thế, tâm tình khác nhau…

Nhưng chắc chắn, ấy phải là một con đường riêng biệt của hành giả mà chỉ có hành giả mới thấu hiểu được mình đã chọn như thế nào, đi như thế nào, gặp ai, dừng nghỉ lúc nào rồi lại đi tiếp lúc nào, mây trời và dòng sông đã trò chuyện với mình ra sao cũng như việc nằm tựa lưng vào đất mẹ để ngắm triệu vì sao và lắng nghe lời tự sự trong thinh vắng của tâm hồn mình to nhỏ, run rẩy và cả hân hoan ra sao… Tất cả câu chuyện ấy, chỉ có với hành giả, chỉ mỗi hành giả biết và vui buồn cùng.

Trên bước chân hành đạo, trên mỗi lối nhỏ men tìm đến đích chân như mà Đức Thầy đã biệt truyền trong khoảnh khắc, sát na nào đó ngẫu nhiên ngẫu nhĩ, hành giả tiếp tục đi và đi. Đạo Phật mãi mãi là một con đường, trong khoảnh khắc cũng là một con đường, trong vô ngại cũng là một con đường, trong cả tối tăm u ngục cũng là một con đường, trong lòng hạt bụi hay trên đầu cọng lông cũng là một con đường, con đường đi về đâu? 


Chỉ có Đức Thầy và hành giả thấu hiểu. Có thể thấu hiểu trong “giáo ngoại biệt truyền”, có thể thấu hiểu trong bất chợt thọ đắc “Thiên địa phiên chu phù tợ diệp/ Văn chương tàng tức nhược như ti”; mà cũng có thế hoát ngộ trong thấu hiểu ngay lúc này, ngay bây giờ, tại đây về “Càn khôn thị hiện mao đầu thượng/ Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”. 

Hành giả có thể dừng nghỉ trong vai trò sư thầy, khai tuệ cho môn đồ hay chúng đồ trong chốc lát, trong quãng thời gian “thõng tay vào chợ”, nhưng hành giả không tự cho phép mình tiếp tục ngồi vui với vật dục phù du, tiếp tục kiến chấp cảnh sắc mà quên lãng con đường. Tuệ Trung Thượng Sĩ, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Mãn Giác, Vạn Hạnh, Viên Chiếu… Những hành giả từng thõng tay vào chợ, từng tham chính trong một thời gian dài đủ xiển dương Phật Giáo và khi quãng lặng đủ dài, sự ngưng nghỉ đủ thấm mệt (thay vì ngưng nghỉ lấy sức), họ tiếp tục bước đi trên con đường cô độc của mình.

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân khai thu hựu khô/ Nhậm vận thạnh suy vô bố úy/ Thạnh suy như lộ thảo đầu phô” (Vạn Hạnh) hay “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Mãn Giác), hay “Thân như tường bích bĩ đồi thì/ Cử thế thông thông thục bất bi?/Nhược đạt tâm không vô sắc tướng/“Sắc”, “không” ẩn hiện nhậm suy di” (Viên Chiếu)… 

Mỗi bài kệ thị chúng của hành giả không phải là sự khái quát, tóm lược quá trình hoát ngộ hoặc ghi chú trạng thái đốn ngộ hay một sự dẫn dụ tiệm cận Nirvana. Mà đơn giản, đó là dấu ấn tâm cảm họ nhận được trên con đường đã chọn, sắc màu của mây trời và gió mùa hay giọt mưa trên lá trong đêm tối của giới trạng nghiêm mật hành giả. Nó như ai đó đã thiết lập một con đường (đạo) bằng việc đi qua cánh đồng hoang, sự đi mãi miết thành con đường. 

Con đường dẫn từ ngõ nhà bước chân ra, đến đích mà cũng có thể không đến đích. Trên con đường ấy sẽ phát sinh nhiều giao lộ, heo hút bất định chưa biết về đâu. Và trong chính cái vô lượng chưa biết về đâu ấy lại mọc lên những căn nhà, những mảnh vườn và cả khu du lịch. Người ta quên mất con đường và nhớ, mãi nhớ rằng ở đó có khu du lịch, nhiều khu du lịch hấp dẫn, ở đó có thể ngồi từ trên tầng hai của một căn phòng có cửa gương, rèm mát và có cửa thông gió nhìn ra biển, có thể ngồi nhâm nhi cà phê hay uống rượu vang hay ân ái với người đẹp… 

Và người ta cũng quên mất rằng có một con đường khác vừa mọc ra trong vũ trụ bao la này từ phút giây nhấp môi vào ly cà phê hay khởi sự lòng ham muốn ân ái với người đẹp. Con đường của hành giả có thể gặp ngàn vạn sự thể đáng vui, đáng buồn và không vui không buồn nhưng có sức hút kì dị giữa đời thường.

Có một buổi chiều, tôi ngồi ở Từ Hiếu tự, ngay cố đô Huế, ngôi chùa nhìn xuống một dòng suối, có những đóa sen hồng và trắng mọc đầy giữa suối, suối nằm bên một giếng cổ, từ suối ngước nhìn lên đồi cao là chánh điện, sau chánh điện là khu vực tu tập của tăng đoàn, và bên trái chánh điện, tức bên phải tầm nhìn của tôi là khu tháp cổ của các vị đã khai ấn cho chùa, và cả ngọn tháp không cao mấy của Nhất Định Thiền Sư (thầy tổ của Nhất Hạnh Thiền sư), người đã hằng ngày đi ra ngoại thành, mua một con cá tươi về tự tay giết thịt để nấu cháo cho mẹ, người đứng vai trò điều ngự, Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự, đứng hàng thủ lĩnh trong giới chức Phật Giáo thời nhà Nguyễn, và trong giai đoạn “thõng tay vào chợ” của mình, Ngài đã làm được rất nhiều việc.

Nhưng, hình như, sự im lặng của các tháp nhỏ trong khu lăng mộ thái giám phía bên phải Từ Hiếu Tự, hay phía bên trái tầm nhìn của tôi lại nói rằng ngài cũng như bao người khác, làm được rất nhiều và cũng không làm được gì cả trên những bước hành đạo của một hành giả. Những đóa hoa này, và cả làng Mai nổi tiếng của môn đề ngài, cả mọi công đức và sự nghiệp của ngài, là trò chơi hư ảo. Nó khiến cho thế giới hậu sanh thấy rằng Phật Giáo đồ sộ với một trang sử nồng nàn hương thiền định nhưng dường như người ta chưa thoát khỏi mùi hương nồng nàn này bao giờ, người ta tin vào câu chuyện, tin vào ngôi chùa, tin vào sự đồ sộ của tôn giáo và tin vào sức mạnh lan tỏa yêu thương của đạo pháp… Nhưng không phải ai tin cũng có thể đi như một hành giả và cảm như một hành giả.

Trong cái nắng chói chang của xứ Huế mùa hè, những hạt nắng rơi lăn tăn trên các bậc thềm, nơi dấu chân của các nhà tu từng chuyển vận (hay vân du) qua đây, tôi nghe tiếng bước chân của sử lịch đang âm trầm, réo rắc trong các cung mộ thái giám, họ cũng là những hành giả của đời thường, họ là hành giả của cô đơn và dối trá, của u uất kiếp người và chính trị u ám, họ là hành giả trên con đường không thuộc về Đạo Phật nhưng là những Phật tử thuần thành trong suốt tiến trình cúng dường, cầu một chỗ nằm khi đi về cát bụi và mãi mãi họ là hành giả của những gì họ đã lựa chọn. 

Cũng giống và cũng khác với các bậc hành giả đã chọn con đường tu tập để đích đến của họ có phải là hoát nhiên đại ngộ hay là một mảnh xá lợi màu cam, màu vàng, màu chàm, màu lục, màu tía, không màu… trên một góc Huyền Không Sơn Thượng hay trong một tháp xá lợi bị bỏ quên.

Và đâu đó, những cổ tháp hơn ba trăm năm tuổi nơi góc khuất ngã ba Lạc Long Quân – Âu Cơ, Tân Bình, Sài Gòn, bên kia thành cũ là một vườn cây, khác với con đường ngày đêm chật vật xe cộ, những ngôi cổ tháp nằm im hơi, thi thoảng có vài con sóc nhỏ chạy đến tìm thức ăn rồi lại ẩn mình trên những tán cây xanh. Những tán cây trăm năm tuổi nằm lẫn giữa thành phố và tiếng ồn. Hơn ba mươi năm trước, người ta đã làm một cuộc vận động lớn, Phật tử trên cả nước hội tụ về đây để làm lễ rước xá lợi của Đức Phật, xá lợi được thờ trên tầng đỉnh của tháp cao bảy tầng phía trước chùa. 

Đương nhiên theo Cố Hòa thượng Thích Minh Châu, cựu Thủ khoa cao học Phật Giáo Ấn Độ và là Hiệu trưởng Thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn thì, cho đến lúc người ta mang xá lợi Phật về, các xá lợi Phật chỉ là một khái niệm, và mọi hủ xá lợi đang trôi nổi trong các cuộc kiết tập đầy tính hội hè đình đám và chính trị, dường như xá lợi chỉ là xá lợi, và Phật không để lại xá lợi nào. Đương nhiên, đây là cách nói của một Thiền sư, và hơn hết, ông là Hiệu trưởng của một Thiền viện, nơi đào tạo ra các Thiền na và những hành giả mẫu mực.

coitaba.net hành giả

Cũng giống như những ngôi tháp cổ thấp lè tè, nửa tháp nửa mộ của các thái giám bên trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, sở dĩ chùa có tên như vậy bởi các thái giám cảm phục tấm lòng của Thiền sư Nhất Định, người đã không rời bỏ chữ Hiếu khi xuống tóc đi tu, mỗi ngày tự tay ra chợ mua cá về nấu cháo cho mẹ. Vị ấy là tôn sư của Thiền sư Nhất Hạnh, mà người đời và các Phật tử vẫn quen gọi là Sư Ông. Chùa được xây dựng nhờ vào khoản tiền các thái giám dành dụm để cúng dường. Và để đáp lại tấm lòng của họ, chùa đã dành cho họ một khoảng đất rộng để an nghỉ và nghe kinh.

Khi những bông lim rừng đỏ như máu rỏ xuống mặt đất, những hành giả nửa mùa sực nhớ rằng nơi tọa lạc của các chùa cổ từng là rừng rậm, từng là nơi rừng thiêng nước độc, nơi vắng vẻ để các hành giả tu tập và chiêm nghiệm về thế giới ba đào đang cuộn xoáy bên ngoài cánh rừng, và cả ba đào đang dậy sóng bên trong tâm trí. 

Thời gian đã lấy đi những cánh rừng yên tĩnh, nơi thâm sơn cùng cốc thuở nào, giờ thành điểm du lịch chùa cổ, với hàng hàng lớp lớp các lợi lộc thu về từ việc bán vé, nhận cúng dường và tích hợp công đức, phước báu của Phật tử bốn phương. Ngay cả việc bói dịch cũng trở thành một loại dịch vụ ăn kèm ở hầu hết các chùa. Và bói toán như là pháp hành như như hiện đại mặc cho lũ hoa lim hay hoa sen hay lá rừng rụng gào khản giọng bởi sự thinh lặng quá ồn ào và câm điếc quá đỗi lao xao của hành giả nửa mùa ham chơi bữa nọ.

Khi một trận mưa xuân kéo về, những hạt mầm thinh lặng trỗi dậy, đâu đó nơi góc khuất cổ tháp, một phiến rêu xanh hiển hiện, ánh sáng như là…

coitaba.net (từ Fb Liêu Thái)
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]