Từ Bậc Hiền Triết đến Đức Giáo Chủ

03/11/2020 04:56 PM

Khi nói về Đạo Phật, phải nhắc tới bậc hiền triết Shakyamuni, người đã giúp cho các đệ tử của Ngài tự kiến giải, tự tu tập và tự chứng trên con đường đi đến trạng thái Nirvana, tức Niết Bàn, một trạng thái không phải ai tu tập cũng có thể đạt được. Chính trạng thái đỉnh cao của trí huệ và thanh tịnh, chạm vào cảnh giới siêu thức này đã hấp dẫn rất nhiều đệ tử.

Nhưng ngay từ thời Đức Phật tại thế, dường như yếu tố chấp thủ của các đệ tử của Ngài đã manh nha, chấp bút viết kinh sách, hệ thống hóa lời dạy của Thầy và biến nó thành một hệ thống tư tưởng đã là hành động chấp thủ, khiến cho các kiến giải của thầy bị giới hạn trong ngôn ngữ và chữ nghĩa (đương nhiên đây là sự chấp thủ tích cực, cần thiết cho xã hội con người).

Và chính sự chấp thủ cần thiết này, về sau đã sinh ra nhiều tông phái, nhưng chung qui, có hai trục cơ bản đã chi phối các tông phái cho đến ngày nay. Càng về sau, trục Phật Giáo càng lấn lướt và trục Đạo Phật bị lu mờ bởi nhu cầu truyền bá, phát dương tôn giáo của các môn đệ và hậu duệ.

Tỉ như Đức Phật đã từ bỏ mọi thứ, trong đó gồm cả hệ thống các qui ước ngôn ngữ để đạt đến cảnh giới tối thượng, thì các đệ tử của ông lại cố gắng khái quát trạng thái tối thượng của thầy mình thành một hệ thống triết lý, tư tưởng, kinh kệ. Và sự mô tả này càng về sau càng thất bại, càng thất bại thì hệ thống càng đồ sộ. 



Bởi trạng thái Nirvana của Ngài đã được chuyển hóa thành kinh tạng, thành hệ thống kiến giải ngày càng siêu hình và rối rắm, đến mức chỉ vài trăm năm sau, đến thời Ashoka, một đệ tử nhà Phật, thì muốn chạm đến kiến giải của Bậc Tổ Sư, có lẽ phải tốn đến vài kiếp để đọc và thấu kinh sách từ các bậc thầy. Bởi bản thân các kiến giải này cũng chỉ là sự tiệm cận, để đi đến trạng thái Nirvana chứ chưa phải là Nirvana, bởi kinh nghiệm Niết Bàn, hình như ngoài Đức Thích Ca, chưa thấy người sau. 

Nhưng kinh sách của các đệ tử ngày càng nhiều vô cùng. Các bộ kinh này được viết ra bởi những người chưa xác tín đạt được trạng thái tối thượng của Thầy. Nên người đến sau, muốn chạm đến kinh nghiệm tu tập của bậc tổ, có thể nói rằng rối mù và tuyệt vọng. Nhưng, bù vào đó, hệ thống Tôn Giáo với hình tượng Đức Giáo Chủ nhanh chóng thiết lập và trưởng thành cùng với hàng ngàn, hàng vạn kinh tạng, giới luật, triết thuyết, kiến giải nghiệp – duyên, hình ảnh giáo chủ như một vị thánh với đầy đủ các yếu tố của huyền thoại. 

Khi Đạo Phật sang Việt Nam, dường như các bậc hành giả đã mang sẵn trong họ phần Phật Giáo đi kèm với Đạo Phật (tự tu tập, tự soi sáng tâm linh của mình để tìm chân lý, tìm đại ngộ). Nghĩa là mọi lời chỉ dạy về tu tập, tìm ra Niết Bàn đã đi kèm với giấc mơ phát dương quang đại, phổ biến Phật Giáo trên toàn cõi nước Nam. 

Và đây cũng là lý do vì sao khi Phật Giáo xuất hiện tại Việt Nam thì sau đó không lâu, các quốc sư đều là những người nhà Phật. Có thể nói gạch nối giữa Tôn Giáo và Chính Trị đã giúp cho Phật Giáo bén rễ rất sâu trong lòng dân tộc Việt từ thời nhà Trần. Càng về sau, các hoạt động chính trị có thể thay đổi theo thời thế, nhưng Phật Giáo và chính trị luôn gắn liền theo tiến trình lịch sử. 

Riêng Phật Giáo nguyên thủy ở phía Nam đất nước (thời nhà Trần, nơi đây chưa thuộc nước Việt mà thuộc về Chân Lạp và Chăm Pa) thiên về đường lối tu tự chứng, không bị chính trị hóa như Phật Giáo phía Bắc vốn ảnh hưởng chính trị từ Trung Hoa, khi sang đến nước Việt thì chính trị là mục tiêu cộng hưởng hoằng pháp, và muốn phổ biến triết thuyết của Phật Giáo, các nhà tu phải chấp nhận khước từ một số thói quen cô đơn, tư lự của một hành giả để tham chính, qua đó họ vừa góp phần xây dựng vương triều quân chủ tập quyền, vừa nhận được các quyền lợi từ chế độ quân chủ tập quyền để kiến tạo hệ thống Phật Giáo Việt. 

Vào thời Phật Giáo xuất hiện tại đất Việt, chính trị là điểm đến của các nhà tu và Phật Giáo là điểm về của các nhà quân chủ. Các đời vua cảm thấy mệt mỏi với triều chính thì chuyển quyết định, chọn đi tu, ngược lại, khi cần thiết lại tạm gác việc tu để can dự triều chính. Còn các nhà tu thì cung phụng các bậc quân chủ, làm hộ pháp quốc gia hoặc làm triều thần để cố vấn cho vua chúa. 

Ngay trong việc thay đổi ngôi vị, đấu đá chính trị giữa các phe nhóm trong triều đình cũng có bàn tay của các nhà tu can thiệp. Nói như vậy để thấy rằng từ khi Phật Giáo xuất hiện tại nước Việt, Đạo Phật đã bị lu mờ và thay vào đó là các hoạt động tôn giáo rầm rộ, mạnh mẽ nhất trong lịch sử tôn giáo Việt Nam cho đến lúc này. Tại Việt Nam, mọi tôn giáo có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng cho dù vào thời kỳ đen tối nhất của Phật Giáo, dường như vai trò tương đương quốc giáo của Phật Giáo vẫn chưa bao giờ bị suy suyễn. Và đương nhiên trong vai trò này, yếu tố chính trị được lồng ghép với yếu tố tôn giáo một cách hài hòa, tinh tế.



Cho đến ngày nay, ai dám khẳng định Phật Giáo không có chính trị? Và mọi tôn giáo đều gắn với chính trị, nếu không gắn với chính trị, tôn giáo đó sẽ bật rễ ra khỏi quốc gia này ngay tức khắc. Vấn đề là gắn với chính trị trong chừng mực nào, dưới lăng kính nào và sự kết hợp này có ảnh hưởng đến bản chất, căn cơ, hay ảnh hưởng đến đạo gốc ra sao? Nhưng, đáng buồn là khi hình thành hệ thống tôn giáo, chắc chắn một điều đạo gốc bị che khuất trong tầng tầng lớp lớp giới luật và lý thuyết có liên quan đến chính trị và cả những quyền lợi của hệ thống được ban phát từ các quan hệ chính trị. 

Chính vì yếu tố này mà đến hiện tại, phần lớn người ta đi chùa lễ Phật nhưng lại cầu xin Phật cho lộc, xin bề trên cho yên ổn làm ăn, xin các Hộ Pháp cho bình yên với tước vị, thậm chí có người còn sờ bụng Di Lặc, dán tiền vào tượng Phật cầu may… Vô hình trung, Phật trở thành ông thần hộ mệnh, ông thần tài của số đông người được xem là đã “qui y” bằng một giấy chứng nhận qui y đậm chất hành chính (bản chất của qui y không cần bất kỳ tờ giấy chứng nhận nào cả, và cũng không cần bất kì pháp danh nào. Bởi cả giấy và pháp danh đều khiến cho con người chạm với kiến chấp, ngay cả việc nương nhờ sự che chở, dường như cũng đã có yếu tố kiến chấp về một tha lực lớn hơn bản thân, vì thấy mình nhỏ nhoi nên quay về nấp dưới áo Phật, thực ra, đây là câu chuyện cần phải xét thật kĩ, bởi hệ lụy của nó không hề nhỏ).

Bên cạnh đó, các thầy, các sư trong Phật Giáo (chứ không phải Đạo Phật) luôn xem việc cúng dường của Phật tử là một cách tự tạo công đức, phước báu cho họ và xem việc nhận cúng dường là trách vụ trong quá trình khoác áo cà sa của mình. Việc cúng dường với số tiền to lớn, việc các sư dùng tiền cúng dường để trang bị các tiện nghi, xây dựng cơ sở, đúc chuông, đúc tượng đồ sộ chỉ giải quyết được khía cạnh hình tướng. Điều này khiến cho nhiều người ngộ nhận việc đúc tượng, chép kinh cũng là tạo phước, cầu may, tích đức, thậm chí có người cầu tự, xin làm ăn thành đạt bằng cách đúc tượng, chép kinh. Trong khi đó, bức tượng lớn nhất, tỏa hào quang sáng ngời nhất của Đạo Phật không phải là ông tượng bằng đất sét, bê tông, đồng, đá hay ngọc đang đứng ở chánh điện, đang ngồi trước sân chùa hay đang đứng trên đỉnh núi cao; mà là bức tượng bậc tổ đang tỏa sáng trong tâm thức mỗi người, giúp con người hằng ngày tự quán chiếu vào nội thể, soi sáng tâm linh để sống, để yêu thương, để làm điều thiện lành cho thế giới này tốt đẹp hơn.

Dường như bức tượng trong tâm linh, nội thể chỉ có ở Đạo Phật, còn nói tới Phật Giáo, thì phải hiểu rằng Phật Giáo càng vững mạnh, thì chùa chiền càng giàu có, các thầy càng đi xe sang trọng, tượng Phật có mặt khắp nơi, người phát nguyện đúc chuông, đúc tượng lúc nào cũng có, gọi đâu có đó. Và việc cúng dường của Phật tử không còn đóng vai trò dâng bữa ăn cho các hành giả độ nhật, để bậc tu có thời gian mà tu tập… mà là dâng để lấy công đức, một cuộc chạy đua, mua chuộc công đức. 

Ngay cả khái niệm công đức đã nặng chất mê tín và chính trị trong sinh hoạt Phật Giáo. Và, sự khác biệt giữa Đạo Phật và Phật Giáo trong triết lý rất dễ nhận biết: Triết lý của Đức Bổn Sư khuyên con người tự thắp đuốc mà đi, tự đánh thức trí huệ của mình bằng con đường tu tập, chuyên tâm tu tập (Đạo) trong buông xả; Lý thuyết của Phật Giáo chỉ cho con người thấy hàng núi nghiệp, các tầng bậc địa ngục và cầu giải thoát, khuyến khích con người chuyên tâm trong việc tích tập công đức thông qua hành động cúng dường, dù muốn hay không muốn, chấp duyên, chấp công đức, chấp phước báu cũng đã xảy ra. 

Điều này đi ngược với Đạo Phật vốn dĩ lặng lẽ, yên tịnh và chiêm nghiệm, suy tư nhiều hơn là hành động. Và nói đến Đạo Phật, người ta nhớ đến bậc hiền triết Thích Ca Mâu Ni, nói đến Phật Giáo, người ta nghĩ đến Đức Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 

coitaba.net (FB Liêu Thái)
 
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]