Từ Tăng Đoàn đến Giáo Hội

07/11/2020 03:36 PM

Có sự khác nhau căn bản giữa hành giả với nhà tu. Hành giả chuyên tâm con đường giác ngộ của mình. Nhà tu quan tâm, nghiên cứu đến con đường giác ngộ trong mối cộng sinh với các hoạt động xã hội, chính trị, văn hóa và đương nhiên các hoạt động này có thể mâu thuẫn trầm trọng với con đường giác ngộ.

Bản chất của Tăng Đoàn và Giáo Hội chưa bao giờ thay đổi. Chỉ có sự nhẫm lẫn và đặt để, sự trộn lẫn và nhập nhằng khái niệm giữa Tăng Đoàn với Giáo Hội qua thời gian, làm cho người ta đánh đồng Đạo Phật với Phật Giáo. Và một khi sự nhẫm lẫn này thành nếp, điều đó cũng có nghĩa là sự trộn lẫn giữa các thao tác chính trị tôn giáo và tôn giáo chính trị đã dần phủ bóng và có khuynh hướng thay thế ngôi vị của đạo pháp. Người ta không còn ngờ vực về sự khác nhau giữa Đạo Phật với Phật Giáo, và xem đó là Một. Câu chuyện lại bắt đầu từ chỗ này mặc dầu nó muộn màng hơn rất nhiều so với chính nó.

Thời Đức Phật tại thế, hơn 60 đệ tử đầu tiên của Ngài cùng với các đệ tử bên dưới với con số tương đối lớn đã hình thành nhu cầu trật tự và thiết lập Tăng Đoàn cùng các qui chế tu. Tất nhiên, Tăng Đoàn cùng các qui chế tu hành dựa trên căn cơ giác ngộ và không liên quan đến chính trị. Đây là các qui chế về cách thức hành đạo pháp giữa các môn đệ, về tôn nghiêm và tinh tấn cũng như sáng tạo cần thiết của một môi trường tu tập. 

Mãi cho đến khi Ngài nhập diệt, các qui chế Tăng Đoàn được chuyển hóa, nâng cấp thành các thiết chế Giáo Hội. Và các thiết chế này không còn đơn thuần gồm các qui tắc tu hành, các hành xử của bậc hành giả mà đã mở rộng, nó liên quan đến các Phật tử tu tại gia và chế độ chính trị mà họ đang thụ đắc. 

Các thiết chế Giáo Hội phải đảm bảo làm sao có sự hài hòa, kết hợp giữa chế độ chính trị và Giáo Hội. Bên cạnh đó, việc xiển dương Phật Giáo trên khắp thế giới cũng chạm đến mối tương tác giữa Phật Giáo bản quán với các vùng đất mới, hay nói khác đi là việc này đụng chạm đến các thiết chế cũ với các chế độ chính trị, các qui ước xã hội ở các quốc gia mới được xiển dương. Đương nhiên, mọi cuộc kết tập kinh sách và thiết lập Giáo Hội mới phải đảm bảo không có mâu thuẫn giữa Phật Giáo với mọi chế độ chính trị đang mở cửa đón Phật Giáo.

Và mối giao thoa giữa Phật Giáo – Chính Trị Quốc Gia được hình thành nhằm đảm bảo mọi Giáo Hội Phật Giáo ở các quốc gia được hoạt động tốt nhất trong sứ mệnh xiển dương Phật Giáo. Điều này đẫn đến tình thế vừa là cơ duyên để Phật Giáo phát dương trên mọi miền địa cầu, đồng thời vừa là mối nguy dẫn đến tình trạng xơ cứng về giáo lý và triết thuyết. Bởi hơn bao giờ hết, muốn đảm bảo vị trí tối cao của cái nôi sinh ra Phật Giáo, các Giáo Hội phân nhánh (phân hội cấp quốc gia) phải đảm bảo một trật tự và ban bệ cấp quốc gia, cấp tỉnh (có thể gọi là cấp giao, phủ, châu, quận... tùy từng thời), cấp quận, cấp xã, dưới xã… đều phải qui về một mối. Có lẽ, khái niệm “Quy Y” được nhắc đến nhiều nhất và trở nên phổ dụng vào thời này, nghĩa là sau khi các Giáo Hội Phật Giáo ở các quốc gia ngoại vi đi vào hoạt động và hướng về chiếc nôi Phật Giáo Ấn Độ.


Tăng đoàn không phải là Giáo hội

Và mối nguy xơ cứng diễn ra ngay từ lúc này, mọi kinh điển, giáo lý được chuẩn mực hóa, mọi qui ước gốc, mọi hoạt động có tính truy nguyên sẽ được sử dụng hết công năng. Bởi để đảm bảo một người Việt Nam hay Trung Quốc hay Lào, Campuchia, Mã Lai… tin và tôn thờ một vị tổ gốc Ấn Độ, đương nhiên người ta chỉ giữ những hình ảnh thần thoại của vị tổ Ấn Độ này lại, còn mọi hình ảnh, hành xử và giáo lý sẽ tùy vào từng quốc gia, tập khí, tập tính vùng miền để điều chỉnh cho phù hợp – Tùy Duyên Hóa Độ là vậy!

Một khi các Giáo Hội hoạt động năng nỗ, nhịp nhàng, đương nhiên, phải dựa vào căn cứ giáo Hội Gốc, bởi đó là chuẩn mực cuối cùng để Phật tử hướng tới. Nhưng nếu xét Giáo Hội Gốc đúng thời điểm lịch sử của nó thì quá muộn màng bởi khi Phật Giáo các quốc gia thịnh hành, các Giáo Hội phiên bản hình thành và hoạt động ổn định thì Đức Phật đã nhập diệt từ lâu. Và nếu lấy đúng thời điểm lịch sử Giáo Hội phiên bản hình thành để kết nối với Giáo Hội gốc thì chắc chắn một điều là người ta không tìm đâu ra Giáo Hội gốc có liên quan đến Đức Phật hay có sự chứng minh của ngài.

Vô Hình trung, người ta phải tạo ra sự kết hợp nhập nhằng, biến Tăng Đoàn thành Giáo Hội đầu tiên. Đây là chỗ mắc mướu nặng nhất của Phật Giáo. Theo hầu hết các kinh sách (do các đệ tử của Ngài Thích Ca viết sau này) đều xem Tăng Đoàn gồm 60 đệ tử đầu tiên và Đức Thầy Thích Ca là Giáo Hội đầu tiên với Giáo Chủ Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật. Trong khi đó, Tăng Đoàn không thể là Giáo Hội.

Bởi các qui chế Tăng Đoàn chỉ dừng ở mức tạo ra các qui tắc ứng xử phải lẽ giữa các đệ tử trong tăng đoàn với nhau và các Phật tử tại gia. Không có bất kì mối tương tác chính trị nào trong Tăng Đoàn cũng như không có bất kì các qui chế/qui ước nào mang tính chính trị hay phục vụ, tuân phục chính trị trong Tăng Đoàn. Qui ước duy nhất, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của Tăng Đoàn chính là tinh thần chuyên tâm tu tập, tinh tấn và khai sáng chính mình, tìm giác ngộ.

Điều này khác hoàn toàn với Giáo Hội khi đã có sự giao thoa, khế hợp giữa các qui chế Tăng Đoàn với các thiết chế chính trị để tạo ra Giới Luật của Giáo Hội. Phật Giáo chỉ hình thành khi Giáo Hội có mặt ở những nơi vượt ngoài tầm kiểm soát của Tăng Đoàn và dựa vào hình ảnh Tăng Đoàn để xiển dương Phật Pháp. 

Nói như vậy, để thấy rằng ở Tăng Đoàn, vấn đề chuyên tâm là Thuộc Tính Phật, còn ở các Giáo Hội, vấn đề quan tâm là mối cộng hưởng giữa Thuộc Tính Phật với thuộc tính chính trị, xã hội. Hay nói khác đi, Tăng Đoàn là tập hợp quá trình tu tập của Hành Giả, còn Giáo Hội là quá trình kiết tập và hình thành thứ bậc, chức sắc, có cao có thấp, có tương tác với chức sắc chính trị trong quá trình (có thể) hướng tới con đường hành giả. Hình tượng một chút, Tăng Đoàn là nơi tìm đường giác ngộ của các hành giả, Giáo Hội là nơi tìm về bản nguyên hành giả của các thầy đang một vai mang kinh sách, một vai mang các qui tắc và cơ hội, ngôi bậc chính trị. 

Khi nhắc tới Phật Giáo, ngoài yếu tố chùa chiền, người ta phải nhắc tới hệ thống các trường đại học Phật Giáo, các bằng cấp Phật Học và các chức sắc sau này trong Giáo Hội. Và Phật Giáo gồm chính trị, xã hội, thứ bậc, văn hóa, triết học… trong hoạt động hướng đến Đạo Phật. Nhưng Đạo Phật là Đạo Phật, không đồng nhất Phật Giáo. Nghĩa là Phật Giáo là một phần nhỏ của Đạo Phật nhưng Đạo Phật không hẳn là một phần nhỏ của Phật Giáo và trong thực tế, các hoạt động của Phật Giáo cho thấy Đạo Phật cũng là một phần để (cầu) hướng đến toàn giác trong sinh hoạt của các Giáo Hội.

Và, sự khác nhau căn bản giữa hành giả với nhà tu cũng nằm ở điểm này. Hành giả chuyên tâm con đường giác ngộ của mình. Nhà tu quan tâm, nghiên cứu đến con đường giác ngộ trong mối cộng sinh với các hoạt động xã hội, chính trị, văn hóa và đương nhiên các hoạt động này có thể mâu thuẫn trầm trọng với con đường giác ngộ. 


Hoạt động của Phật giao hướng đến đạo pháp, nhưng không phải là Đạo Phật

Ngay ở trường Đại Học Phật Giáo đầu tiên là Nalanda trên đất Phật Tích, các Ngài Vô trước, Thế Thân, Trần Na, Hộ Pháp, Giới Hiền (Duy Thức luận), Long Thọ, Tịch Thiên (Trung Quán luận) v.v… cũng đã gặp không ít rắc rối trong việc làm sao để các môn sinh vừa đọc, thông hiểu kinh kệ lại vừa giữ được yếu tố sáng tạo, trực giác và không vướng chấp câu chữ kinh kệ, kể cả việc bứt thoát ra mọi tri kiến đã thụ đắc trong kinh sách, tại Nalanda. Càng về sau, sự vướng mắc và kiến chấp này càng nặng nề thêm, đặc biệt, khi các trường Phật học phiên bản ở các quốc gia hình thành dưới sự điều hướng của các bậc quân vương và các thể chế chính trị. Câu chuyện hành giả chấm dứt từ khi bằng cấp và chức sắc hình thành nơi cửa Phật và câu chuyện sắc – vị - đẳng trong cửa Phật được hình thành trên nền tảng Phật Giáo. 

Có một sự khác biệt vô cùng lớn giữa Tăng Đoàn và Giáo Hội là Tăng Đoàn gồm những người thọ gới trực tiếp với Đức Thích Ca để chiêm nghiệm, khai sáng trí huệ và tìm đến chân như, tìm đến giác ngộ, đi đến Nirvana (Niết Bàn); còn Giáo Hội là nơi tổng hợp các vấn đề học thuật về Phật thông qua kinh sách, lý luận, đào tạo, phân cấp bậc, thứ hạng và đảm bảo mọi cấp bậc, thứ hạng đó phải tỉ lệ với lượng kiến thức Phật học mà các sư, ni đã thụ đắc trong quá trình tu học. Thậm chí, các quyền lợi và uy lực của mỗi người cũng khác nhau căn cứ vào học thuật và các các mối quan hệ không liên quan đến con đường giác ngộ. 

Chính vì lẽ này, sự nhập nhằng và sai lầm lớn nhất từ xưa đến nay chính là chỗ đồng nhất Phật Giáo với Đạo Phật. 
 
coitaba.net (Fb Liêu Thái)

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]