Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.
Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.
Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ hai là trì giới ba la mật.
Trì giới ba la mật là đối với các pháp chúng ta không dính mắc. Như vậy điểm chính yếu của phần này là đừng để dính mắc các cảnh duyên. Dính là dính chùm lại, mắc là vướng kẹt. Nghĩa là làm sao đối duyên xúc cảnh, chúng ta không vướng kẹt, không dính mắc, đó là trì giới viên mãn tức trì giới ba la mật. Việc này rất khó làm. Bởi vì chúng ta luôn luôn có khuynh hướng vướng mắc, không bao giờ chịu dứt ra.
Nếu nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy rất rõ, như mình đang ngồi yên mà chỉ một câu nói bâng quơ ở đâu cũng làm ta hết yên ổn. Cứ thế hàng loạt ý tưởng thắc mắc lăng xăng xoay quanh câu nói ấy. Nếu sức tỉnh giác yếu thì vướng mắc này sẽ dẫn mình đi tới chỗ tối tăm, mất hết sáng suốt. Từ đó tạo ba nghiệp bất thiện (thân khẩu ý), không thể dừng được. Thế là đã mở cửa ba đường ác rồi đó.
Hoặc mình đang ngồi mà có mùi hương thơm hay một lời ca tụng nào đó, tâm cũng xao động bất an liền. Nếu ta biết tu, có sự tỉnh giác thì cứ để cho mùi hương ấy bay đi, cho những lời ca tụng bâng quơ ấy theo gió theo mây, không cần phải quan tâm. Thực hành được như vậy gọi là trì giới ba la mật, vì thân khẩu ý lúc nào cũng thanh tịnh.
Nhưng đâu phải dễ, bởi các giác quan của chúng ta luôn chực chờ sẵn để chạy theo cảnh duyên bên ngoài, rồi vướng mắc dính chùm với nhau. Thành ra ta tu hoài mà chẳng ra làm sao cả. Mình với các pháp dính, mình với âm thanh dính, mình với sắc tướng hương vị… dính hết. Không chịu gỡ thì làm sao mà trì giới ba la mật được !
Khi quy y và được truyền năm điều giới luật (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), Phật tử nguyện giữ gìn không trái phạm, đó gọi là trì giới. Nhưng với kinh Tư Ích thì, người giữ giới viên mãn là người không những không dính mắc những thứ bên ngoài mà luôn cả những thứ trong tâm, cũng không được dính mắc.
Cho nên không phải người siêng tụng điều giới mà gọi là giữ giới. Giữ giới là luôn luôn lóng sạch tâm tư, không để các cảnh duyên bên ngoài và những dấy niệm bên trong kéo lôi. Nếu chúng ta có thể hành trì như vậy trong mọi thời mọi lúc, mới được gọi là trì giới ba la mật.
Thanh lọc thân và tâm
Xả bỏ đi phiền não
Hành giả lìa điên đảo
Hướng về cội chân như
Theo Thiền tông Việt Nam
coitaba.net