Còn nghĩ thiện ác là còn sanh tử

16/05/2022 05:52 PM

Ý nghĩ thiện nghĩ ác thì thân làm thiện làm ác, miệng nói thiện nói ác. Bây giờ ý không nghĩ thiện nghĩ ác, gặp cảnh thì làm tùy duyên, tâm không khởi niệm. Việc làm đó không có gốc của thiện, ác.

Nghĩ thiện thì đi đường lành, nghĩ ác thì đi đường dữ.

Người tu chuyển nghiệp là đừng đi đường dữ, mà đi đường lành, đó là tu Nhân thừa và Thiên thừa. Nếu muốn dứt hết không còn sanh tử nữa thì phải làm sao? Tâm không còn dính, không còn kẹt bên nào thì mới thoát ly sanh tử.

Tại sao? Bởi vì dấy niệm thiện, ác thì tạo nghiệp thiện, ác. 
Trong ba nghiệp, ý là chủ.

Ý nghĩ thiện nghĩ ác thì thân làm thiện làm ác, miệng nói thiện nói ác. Bây giờ ý không nghĩ thiện nghĩ ác, gặp cảnh thì làm tùy duyên, tâm không khởi niệm. Việc làm đó không có gốc của thiện, ác.

Nếu tâm của chúng ta thản nhiên, tự tại, không bị một niệm nào sai khiến thì nó bao la, trùm khắp. Nên nói tâm bao la trùm khắp khó hiểu, bởi vì người ta cứ nghĩ tâm ở trong tấm thân nhỏ bé này. Nhưng sự thật, nếu chúng ta nghĩ về người, thì cái nghĩ đó duyên theo hình bóng người, nghĩ về cái chuông thì duyên theo bóng của cái chuông, nghĩ về đồng hồ thì duyên theo bóng của đồng hồ… nó có giới hạn. 

Nếu không nghĩ gì hết thì nó duyên theo bóng nào? Không có bóng. Không có bóng, không có hình tướng thì nó trùm khắp rồi.

Vậy mà chúng ta lại bỏ cái rộng lớn bao la ấy, đi bắt lấy những cái nhỏ nhoi, tạm bợ. Cho nên Phật thương chúng sanh là thương ở chỗ mê lầm đó.

Chúng sanh bám vào những giả dối, tạm bợ mà hài lòng, còn cái chân thật lại bỏ quên. 

Trong khi cái chân thật đó không bao giờ mất, nó luôn ở bên mình. Nên nói rằng chúng ta xuống địa ngục thì Phật tánh cũng xuống địa ngục; nhưng Phật tánh không bị hành, không bị khổ. Rõ ràng Phật tánh không tách rời chúng ta, chỉ tại chúng ta quên thôi.

Chúng ta có cái chân thật, thênh thang mà không dám nhận. Chỉ nhận bóng dáng tạm bợ mấy chục năm, tâm lăng xăng lộn xộn luôn luôn thay đổi là mình, bỏ quên cái chân thật. Như vậy có đáng thương không? Chư Phật và Bồ-tát, thương là thương cái mê lầm đó của chúng sanh. Cho nên toàn bộ kinh Phật đều nhằm đánh thức cho mình tỉnh, đừng mê lầm nữa. 

Hết mê lầm là giải thoát sanh tử. Cho nên có trí tuệ giác ngộ rồi mới đi tới giải thoát. Nếu không có trí tuệ, không có giác ngộ thì không có giải thoát. 

Đó là lẽ thường. Như vậy chúng ta tu cốt để được giải thoát sanh tử thì phải đi con đường đó. Nếu chúng ta tu để đời sau sướng hơn đời này, thì đi con đường Nhân thừa hoặc Thiên thừa như đã nói ở trên. 



Nhưng đức Phật không thích chúng ta lên cõi trời. Tại sao? Bởi vì lên cõi trời hưởng sung sướng nhiều quá, tu không được. Đến khi hưởng hết phước rồi thì rơi xuống trở lại. Thế là uổng công bao nhiêu năm!

Chúng ta thường lầm cho nghĩ rằng ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà lầu, đi xe hơi… là hạnh phúc. Nhưng nếu xét kỹ thân này ăn để chi? Cả ngày cứ mượn trả, mượn trả… ít chục năm nó cũng hư hoại. Mượn trả tốt, mượn trả xấu cũng là mượn trả thôi, chớ có gì hơn. 

Đó là nói ở cõi Ta-bà này chỉ có mấy chục năm thôi. Nếu ở cõi trời thì tuổi thọ gấp năm mười lần, hai ba mươi lần cõi này. Nhưng lên đó mượn trả đã rồi cũng phải trở xuống. Như vậy có nghĩa lý gì. 

Tốt hơn ở đây có khổ có vui, mau tỉnh. Mau tỉnh thì dễ tu. Dễ tu mới có thể ra khỏi sanh tử luân hồi sớm. Chúng ta thấy rằng đức Phật nhìn thật tường tận. Còn chúng ta thì không như thế.

Như vậy ở thế gian, người giàu quá hoặc nghèo quá, dễ tu hay khó tu? Cả hai đều khó cả. Chỉ có hạng người vừa đủ ăn, khổ vui lẫn lộn là dễ tu hơn hết. Khổ quá thì tối ngày bận bịu với cuộc sống, đâu có rảnh mà nhớ tu. Còn dư dả quá, giàu có quá thì tiệc tùng liên miên cũng không rảnh mà tu. Nên nó cả hai trường hợp này đều khó tu.

Phật bảo sanh trong tam ác đạo không tu được nên phải tránh. Nhưng cõi trời cũng khó tu, chỉ cõi người là dễ tu. 

Nên từ nay, quí vị có than phiền sanh cõi người khổ nữa không? Sanh cõi người là cơ hội tốt để cho mình dễ thức tỉnh. Nếu được lên cõi trời mình cứ hưởng không nghĩ tới tu. Sanh cõi người, chúng ta có đủ cơm ăn là tốt rồi, để thời giờ nghiên cứu, học hỏi, tu hành. 

Người biết đạo là người không tham cầu sung sướng, chỉ vui trong hoàn cảnh vừa đủ của mình, rồi để dành thời giờ lo tu. Những vui buồn là cơ hội tốt để mình tỉnh, chớ nếu vui hoài thì không tỉnh. Nên buồn không hẳn là tai họa, nó cũng là duyên để chúng ta thức tỉnh.

Nhớ như vậy thì sự sống của mình an lành. Còn nếu chúng ta cứ đòi hỏi bằng người này, bằng người kia là không biết sống. Vì sống mà cứ mơ ước, trông đợi trong ảo tưởng, không thực tế cho nên khổ. Tất cả các bệnh của chúng ta đều từ tâm niệm so sánh, đối chiếu mà có. Tham, sân, si cũng từ đó. 

Nếu chúng ta buông liền từ gốc dấy niệm thì đâu còn gì để tham, sân, si. Như vậy uống có một thang thuốc mà lành hết tất cả bệnh. Đó là do trị tận gốc vậy.

Phương thuốc thật đơn giản, nói đơn giản nhưng lại khó làm. Nếu làm được thì kết quả rất to, chớ không phải thường. 

Cho nên đường lối tu thiền này các Tổ sư gọi là Tối thượng thừa, không theo thứ bậc nào cả. Trị từng bệnh là Nhị thừa. Đến như Bồ-tát cũng còn trị từng bệnh. Ở đây không trị từng bệnh, mà trị tận gốc. 

Gốc hết rồi thì tất cả bệnh theo đó hết. Đây gọi là đi đường thẳng. Cho nên nó đốn giáo, tức thẳng tắt chớ không có quanh co. Vì vậy Tối thượng thừa cũng gọi là Phật thừa.

Mê là chúng sanh, ngộ là Phật; chớ nó không có quanh co thứ bậc. Các thừa kia theo thứ lớp, dẹp được phiền não nào thì chứng được tầng bậc nào tương ứng. Ở đây không dẹp phiền não, mà dẹp gốc sanh phiền não. Gốc sanh phiền não nếu dẹp được thì thẳng đó thành Phật. Ngay ông Phật sẵn của mình hiện ra. 

Học Thiền đốn ngộ là chỉ thẳng gốc ấy. Nếu gốc đốn được rồi thì ngọn dễ lắm. Nếu gốc chưa đốn được thì chặt ngọn này, nó nhảy ra ngọn khác, khó lâu mới hết sạch. Người tu không hiểu, không nắm được pháp tu là tu mù. 

Nếu biết rõ thì kết quả tu sẽ đúng như mình mong muốn. Đó là tu trong sáng suốt. Nên quí vị đừng mong rằng mình ngồi thiền, ngày nào đó có hào quang sáng ngời lên chẳng hạn. Những việc ấy không thể cứu được mình. 

Cứu mình là thấy đúng như thật. Vọng tưởng biết vọng tưởng. Đó là trí tuệ rồi. Trí tuệ này hết sức đơn giản. Chúng ta thường không chịu cái đơn giản, mà đòi có hào quang, đòi đủ thứ hết. Bởi vậy người tu thiền lạc vào tà đạo cũng tại mong muốn những thứ không thực tế.

Cho nên trong kinh, Phật nói rằng: “Ngoại đạo tu có thể chứng được ngũ thông; còn ta tu chỉ lấy đạo thông làm gốc.”  Đạo thông tức là suốt được lối đi, thấu được đạo lý chân thật. Bởi vì thần thông không cứu được mình. Hiểu như vậy trên đường tu mới khỏi lầm lẫn.

Chư sư Nguyên thủy tu theo Tứ niệm xứ v.v… các ngài đi biết giở chân, đứng biết dừng chân, duyên theo từng hành động. Bởi tu duyên theo từng hành động nên lối đi đứng rất nghiêm trang. Còn lối tu biết vọng, trong các oai nghi thảnh thơi, biết vọng không theo.

Chỉ “chăn” cái nghĩ, mà không “chăn” hành động. Vì vậy lối tu này, hành giả sinh hoạt một cách tự nhiên, không kềm gượng.

Nhiều Phật tử ứng dụng lối tu biết vọng, lúc lái xe thì cứ lái xe, vừa nghĩ bậy liền buông. Do đó khi lái xe cũng vẫn tu được. Làm việc gì chuyên tâm vào việc đó, không cho nghĩ cái gì khác. Nhờ chuyên tâm nên việc làm rất tốt. 

Như vậy trường hợp nào cũng tu được hết. Sống trong thời khoa học máy móc này, nếu chúng ta lơ lỏng, ngồi đây mà lo ra, nghĩ chuyện khác thì sẽ rất nguy hiểm. Như vậy lối tu này, tu mà không thấy mình tu gì hết. Ngày nay ứng dụng lối tu này rất hay, vì nếu tụng kinh, lễ bái nhiều hàng xóm nghe chuông, nghe mõ người ta dễ phản đối. 

Chúng ta ngồi thiền im lìm không có gì phiền đến người khác cả, như vậy vừa hay cho mình, vừa hay cho người. Tu ở đâu cũng được, dễ dàng không có gì trở ngại. Tóm lại, trên đường tu chúng ta tu thế nào để cho bản thân mình, cuộc sống của mình và cuộc sống xã hội không bị trở ngại, đó là điều cần thiết. 

Được vậy sự truyền bá của Phật pháp mới đúng với nhịp tiến của thời đại. Nếu chúng ta tu mà không thích hợp với cuộc sống của thời đại, của xã hội mới thì không được. 

Hòa Thượng, Thiền Sư Thích Thanh Từ
Trích trong : BẢN LAI DIỆN MỤC.
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]