Thế nào là Tinh tấn ba la mật?

07/10/2021 02:46 PM

Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ tư là tinh tấn ba la mật.

Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.

Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.
 
Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ tư là tinh tấn ba la mật. 
 
Tinh tấn nghĩa là siêng năng. Siêng năng gìn giữ từng niệm tưởng của mình. Đối với các pháp người nào dứt được tất cả vọng tưởng, người đó được gọi là tinh tấn ba la mật. Trong các kinh Đại thừa, Phật nói sở dĩ chúng ta khổ là do tưởng. Như đêm qua ta mất ngủ, sáng nay gặp người cũng mất ngủ, họ nhìn mình nhăn nhăn thì lập tức có vấn đề. Vấn đề từ sự tưởng tượng của cả hai phía. Do tưởng thế này, thế kia nên sinh chuyện rồi gút mắc với nhau, tạo nghiệp, chịu quả báo và cuối cùng là khổ! 
 

Chủ trương của đạo Phật là phải chân thật. Nếu thiếu tinh thần chân thật thì chúng ta không thể nào đi đúng con đường Phật dạy. Đã tưởng thì không thể thật, thành ra đối với sự tưởng tượng chúng ta cương quyết loại bỏ đi, đừng để nó kéo lôi tầm bậy tầm bạ. Muốn dứt được nhân khổ, muốn không trôi dạt trong luân hồi sanh tử, chúng ta phải làm chủ được các vọng tưởng của mình. Điều này khó chứ không phải dễ! Ngay cả đối với vấn đề Phật pháp, người không khéo tu cũng sinh chuyện.
 
Như chúng ta theo Phật, Ngài dạy mình tu như vậy, bây giờ có người nói khác đi, thế là chúng ta liền có ý tưởng theo ngoại đạo. Bất cứ điều gì trái với chủ trương, đường lối của mình, chúng ta cũng dễ phát sinh vấn đề. Chính điều này dẫn dắt đẩy đưa con người lạc vào bến bờ vô định, khổ đau.

Không ai mà không nếm trải đau khổ. Từ đứa bé con cho đến người già bảy tám chục tuổi, không ai thoát khỏi sự khổ. Nhỏ khổ vì tham muốn mà không được, già khổ vì yếu đau bệnh tật bất lực… Những bấp bênh, bất như ý mình cứ gặp hoài, còn hình ảnh thân thương thì lại vắng bóng. Cuộc sống này là như vậy.
 
Người nếm trải khổ đau thì nhiều, mà người biết được nhân đau khổ thì ít. Biết được nhân khổ đau rồi, ngăn ngừa gìn giữ đừng gây nhân khổ thì lại càng hiếm hoi hơn nữa. Vì vậy các Thiền sư nói “Biết mà cố phạm” là vậy. Biết là nhân khổ đau mà cứ gây, gây rồi than khóc, thử hỏi ai mà cứu được chứ ! Với người con Phật, một khi chúng ta đã biết nhân đó là nhân không tốt, thì chúng ta cố gắng đừng gây, đừng tạo.
 
Để dừng được các thứ này, nhất là dừng dấy niệm, ngăn ngừa vọng tưởng, Phật có rất nhiều phương tiện. Tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tọa thiền… tất cả pháp môn ấy đều để dừng niệm tưởng. Tùy, quí vị có thể tụng kinh Niết Bàn, tụng kinh Di Đà, tụng kinh Lăng Nghiêm… nhưng tốt nhất vẫn là luôn luôn tự kiểm điểm, làm chủ, khắc phục được tất cả niệm tưởng của mình, không cho chúng kéo lôi ta đi đâu. Đó là người áp dụng Phật pháp một cách tuyệt vời rốt ráo, siêng năng nhất. Điều này không hẳn khó làm, nhưng đòi hỏi hành giả phải tỉnh.
 
Thường người ta nói, càng có danh vọng tiền tài chừng nào càng khó tu chừng nấy. Còn người không có gì cả đôi khi lại dễ tu hơn. Bởi vì người có danh vọng địa vị thì có nhiều vọng tưởng, mà đa số là những vọng tưởng hơn thua của thế gian. Còn người không có chi thì ít vọng tưởng, hoặc có chăng nữa cũng chỉ là loại vọng tưởng hiền lành thôi. Không biết vọng tưởng ở đâu mà nó làm điên đảo mọi lớp người. Ta đang vui vẻ, bỗng một ý tưởng dấy lên liền… khổ.
 
Thành ra người con Phật phải gắng làm chủ, bất cứ lúc nào cũng tỉnh thức, đừng để vọng tưởng kéo lôi. Đó là tinh tấn ba la mật.

Theo Thiền tông Việt Nam

coitaba.net

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]