Thế nào là Nhẫn nhục ba la mật?

07/10/2021 02:08 PM

Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ ba là Nhẫn nhục ba la mật.

Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.
 
Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.

Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ ba là Nhẫn nhục ba la mật.
 
Nhẫn nhục ba la mật là đối với các pháp, chúng ta không xâm phạm. Thường con người luôn đặt vấn đề với các pháp. Lúc nào ta cũng muốn uốn nắn sửa sang mọi thứ theo ý mình. Trong cuộc sống, không khi nào ta chấp nhận mọi người và mọi điều. Cứ nhìn theo con mắt, theo kinh nghiệm, theo nghiệp tập của mình. Thành ra thế gian có trăm ngàn mẫu mã nhà cửa, không cái nào giống cái nào. Có giống chăng chỉ ở hình thức bên ngoài, còn cấu trúc sắp đặt bên trong thì mỗi nhà mỗi khác. 
 
Cuộc sống này là tạm, mọi thứ đều tạm, cho đến thân tâm sanh diệt cũng tạm. Thế thì ta có giá trị gì mà bắt mọi người mọi vật phải theo ý ta! Người hiểu và sống được như vậy là không xâm phạm đối với các pháp, tâm được như như. Đây gọi là người nhẫn nhục ba la mật. Trái lại xem mọi thứ là thật thì coi như mất mình, bởi vì ta đã đồng hóa mình với những thứ tạm bợ, nghĩa là nhận giặc làm con, mở cửa cho kẻ trộm cướp vào nhà, thì mất hết gia sản là chuyện dĩ nhiên rồi.
 

Trong cuộc sống, nếu chúng ta cứ chạy theo, cứ lăng xăng toan tính xâm phạm pháp này pháp nọ, thì càng ngày mình càng ngược xuôi theo vọng tưởng, bị vọng tưởng cột trói cho đến nhắm mắt xuôi tay. Không làm chủ được thì không có ý chí để sắp đặt vận mạng của mình, thế nên cuộc sống càng kéo dài ta càng vướng vào vòng xoáy của khổ đau.
 
Như ta đang ngồi thiền hay ngồi nghỉ dưới một bóng cây. Nếu ngồi chỉ ngồi, không bị vướng mắc bởi bất cứ niệm nào, trần cảnh nào bên ngoài thì tâm là tâm, cảnh là cảnh, không trói buộc lẫn nhau. Đây gọi là tâm cảnh như như. Nhưng chúng ta thường thì ngồi xuống chỗ nào là chỗ ấy có vấn đề. Ngồi xuống băng đá thì băng đá có vấn đề, cái băng này ở đâu, làm bằng đá gì. Ngồi xuống gốc cây thì gốc cây sinh chuyện, cây này là cây gì, sao nó cao thế… luôn luôn như vậy. Trăm ngàn hình ảnh bên ngoài tương ưng với vô lượng vô lượng tâm lăng xăng bên trong.
 
Nếu không ý thức buông bỏ, đình chỉ những vọng tưởng ấy thì suốt đời chúng ta cứ loay hoay mãi trong vòng lẩn quẩn ấy, tạo thành một thói quen không dừng được gọi là nghiệp. Đụng pháp nào tâm cũng dấy khởi, cũng rối loạn, cũng mất mình. Rối loạn thì không định, không định thì không tuệ, làm sao sáng suốt để nhìn đúng thực chất của các pháp. Mà chủ trương của đạo Phật là phải sáng suốt. Muốn sáng suốt thì phải định tỉnh. Không định tỉnh thì không bao giờ sáng suốt. Đó là điều tất yếu.
 
Cho nên trong mọi thời gian, đi, đứng, nằm, ngồi hoặc làm việc, chúng ta đều tự dặn lòng phải thức tỉnh, đừng bị mất mình, đừng để vọng tưởng làm rối loạn thân tâm. Có vậy mới nuôi dưỡng và phát triển được sức định. Có định thì nhất định có tuệ. Chúng ta cố gắng tu tập kiên trì liên tục như vậy, thì không xâm phạm các pháp, làm chủ được các pháp. Đó là tinh thần nhẫn nhục ba la mật.

Theo Thiền tông Việt Nam
coitaba.net
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]