Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.
Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.
Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ sáu là trí tuệ ba la mật, tức là trí tuệ tột cùng rốt ráo.
Đối với các pháp không hí luận gọi là trí tuệ ba la mật. Hí là đùa cợt. Luận là lý luận bàn bạc hay luận giải. Đối với các pháp ta không khởi luận giải thế này thế nọ, đúng sai tốt xấu, luôn nhìn đúng như thật bản chất không thật, do duyên khởi của nó, đây gọi là trí tuệ ba la mật. Nghĩa là, các pháp như vậy thì để chúng nguyên như vậy, không đặt để thêm bớt gì trong đó cả. Đó là người có trí tuệ.
Như mình đang ngồi dưới cây điều hay trên một băng đá thì chỉ thấy cây điều là cây điều, băng đá là băng đá. Vậy thôi. Không phân tích, không hí luận cây điều này sao lá màu xanh, ai sơn vôi vào gốc cây của nó, băng đá này từ đâu mà có v.v…
Nếu ta cứ tìm tòi luận giải như thế thì đến trăm ngàn năm sau cũng chưa kết thúc được vấn đề. Vậy là mình trôi dạt miên man trong vòng hý luận. Chỉ khi nào dừng được dòng nghĩ suy ấy thì họa may tâm mới định tĩnh sáng suốt, nhận ra sự có mặt như thật của mình, của cây điều, của băng đá. Nó là như vậy, không có chi thêm bớt, không có chi dính dáng đến ta. Tâm hoàn toàn thanh tịnh, trong sáng.
Hoặc ta ngồi nghe Phật pháp, bên tai có tiếng chim hót, chó sủa, cảm giác nóng lạnh… các sự kiện chung quanh, ta đều biết rõ nhưng không chạy theo sự kiện nào. Chạy theo là mất mình. Ngồi an nhiên lắng tâm tư nghe đạo lý rõ ràng, tỉnh táo sáng suốt, không vướng mắc, không chạy theo bất cứ hình ảnh âm thanh nào. Đó là sống với thực tại nhiệm mầu, là trí tuệ ba la mật hiện tiền.
Hãy quán sát cuộc đời này như quán trọ, sinh mệnh ta như người khách. Người khách nghỉ qua đêm trong quán trọ rồi lên đường, thì có gì lưu luyến gì. Đối với các pháp cũng thế, chỉ có tạm rồi tan, tại sao ta lại vướng mắc. Tu khó hay dễ là ở chỗ tỉnh hay không tỉnh. Nếu chúng ta có được chút tỉnh, sẽ thấy vô thường đổi thay nhanh chóng. Đức Thích Ca Mâu Ni trải qua vô số kiếp tu hành, ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, công đức đầy đủ như vậy mà tuổi thọ cũng chỉ tám mươi. Huống là thân chúng ta, làm sao tránh được vô thường?
Người xưa nói hữu hình hữu hoại. Điều này quả thực không sai. Tất cả những gì có tướng đều biến đổi, tan hoại. Vô thường không tha ai, nó luôn luôn báo động trước với mình. Báo động như thế nào? Đó là những sứ giả già, bệnh, chết mà Diêm vương gởi đến thường xuyên.
Thế mà ta chưa chịu tỉnh để tu thì không biết đến bao giờ mới hết khổ. Chư Tổ thường dạy “Người tu thiền là cốt giải quyết vấn đề sanh tử”. Sanh thì ai cũng có rồi, còn tử là bản án mà chúng ta phải chấp nhận, bất lực để đón lấy. Tuy nhiên, không phải điều đó là hoàn toàn bất khả kháng, nếu chúng ta tu tập đúng như lời Phật dạy.
Theo Thiền tông Việt Nam
coitaba.net