Thế nào là Thiền định ba la mật?

08/10/2021 06:09 PM

Đối với các pháp, không dừng trụ ở bất cứ pháp nào, tâm luôn định tĩnh gọi là thiền định ba la mật. Đến giai đoạn này tôi nghĩ rằng người tu chúng ta cần phải có một đạo lực thâm hậu lắm mới được.

Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.
 
Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.
 
Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Bài này nói về Pháp thứ năm là thiền định ba la mật.

 

Đối với các pháp, không dừng trụ ở bất cứ pháp nào, tâm luôn định tĩnh gọi là thiền định ba la mật. Đến giai đoạn này tôi nghĩ rằng người tu chúng ta cần phải có một đạo lực thâm hậu lắm mới được.
 
Các pháp thế gian không cố định, luôn luôn thay đổi vì bản chất của nó là vô thường. Vô thường tức không cố định. Chúng ta hiện đang bị chi phối hoàn toàn bởi luật vô thường này. Mọi sự thay đổi liên tục nhưng mình thì lại cố chấp, không chịu nó đổi thay.

Ta muốn níu kéo, ôm giữ không cho các pháp thay đổi nên rồi khổ. Nếu biết sống nhịp nhàng, hòa điệu trong sự đổi thay thì cuộc sống sẽ bình yên. Đằng này sống trong sự đổi thay, mà cứ vọng tưởng gây dựng này nọ, giữ gìn cho còn mãi nên con người đầy đau khổ.
 
Vì vậy người con Phật phải sống tùy duyên mà bất biến. Nghĩa là không cố chấp, không dừng trụ ở một pháp nào, luôn sống hòa điệu với mọi người, mọi hoàn cảnh mà vẫn giữ được mình. Đó gọi là tùy duyên bất biến.

Sáng thức dậy làm việc, ăn cơm, đi tắm, tất cả mọi sinh hoạt đều trôi chảy như bao người, nhưng lòng luôn thanh thản bình yên, không toan tính được mất hơn thua như người đời. Sống như vậy là không mất mình, không lặn hụp trong các pháp, sống được với cái bất biến của mình. Đó là tánh giác, trùm khắp bất sanh bất diệt của mỗi chúng ta.
 
Tánh giác đó không phải ở ngoài, cũng không ở trong ta, chỉ khi nào mình sống được tùy duyên nhưng không mất mình, luôn tỉnh sáng, không bị phiền não vọng tưởng dẫn dắt tạo nghiệp thì tánh giác hiện tiền. Được như vậy gọi là thiền định ba la mật.

Theo Thiền tông Việt Nam
coitaba.net
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]