Đức Thế Tôn khi còn là Thái tử phước đức của Ngài vô lượng, công đức vô lượng, giàu sang tột đỉnh, nhưng cũng vì sanh, già, bệnh, chết mà Ngài buông bỏ tất cả, vượt thành xuất gia, tìm lối thoát ra khỏi con đường ấy. Chúng ta so với Ngài thấm vào đâu. Thế mà còn chần chờ không lo tu, không tìm cách giải quyết những vấn đề ách yếu của mình.
Chúng ta chỉ cần một miếng ăn không ngon, một giấc ngủ không lành là điềm báo của bản án đã tới. Quả thật mạng sống của con người mong manh ngắn ngủi vô chừng. Chỉ cần một hơi thở ra không hít vào là xong. Vì thế người biết thương mình phải lo chuẩn bị tu tập. Có vậy mới tự tại làm chủ khi ra đi.
Tuy sáu pháp nhưng chỉ cần chúng ta thực hiện một pháp buông bỏ thôi cũng có thể gặt hái được kết quả mỹ mãn.
Buông bỏ nghĩa là hóa giải, tiêu dung hết những thứ cặn bã không cần thiết, những phiền trược trong lòng mình, để cuộc sống thanh thản, an bình, thánh thiện. Buông bỏ cũng chính là sống được với tâm mình, biết được tâm mình. Đối với tất cả vật, với tất cả thiện ác chúng ta không suy nghĩ, không vướng mắc.
Sống với tâm là sống với thể chân thật rỗng rang sáng suốt, không hình không tướng, không dừng không trụ. Một khi sống được với tâm này thì việc quá khứ không còn suy nghĩ, việc vị lai chưa đến cũng không cần suy nghĩ, việc hiện tại thì trôi chảy không dừng cũng không cần suy nghĩ. Ba thời chúng ta không vướng mắc, thế là đã an vui giải thoát rồi.
Kinh nói : “Tâm không trụ tất cả chỗ thì rõ ràng thấy được bản tâm, cũng gọi là thấy tánh, được giải thoát, chứng Bồ-đề Niết-bàn và Vô sanh pháp nhẫn”. Với người tu thiền, chúng ta vẫn thường nghe từ kiến tánh, tức là nhận được bản tâm của mình. Tuy nhiên nghe thì nghe, mà có khi không hiểu kiến tánh là gì? Thấy bản tâm là thế nào?
Ở đây theo tinh thần như chúng tôi đã trình bày thì kiến tánh hay thấy bản tâm chính là không vướng mắc những chuyện đã qua, không tơ tưởng những chuyện chưa tới và hiện tại sống thoải mái bình yên. Người sống được như vậy là người kiến tánh. Nếu biết nuôi dưỡng liên tục cái “kiến tánh” này thì sẽ được đại ngộ. Cho nên nhà thiền thường nói “kiến tánh khởi tu”, nghĩa là thấy được tánh thật của mình rồi mới dụng công tu hành, như vậy việc tu mới có kết quả. Người chưa kiến tánh mà tu, thì việc tu ấy sẽ chẳng đi đến đâu.
Ngài Đức Sơn Tuyên Giám trước khi là một Thiền sư cự phách trong thiền gia, ngài là giảng sư nổi tiếng với bản kinh Kim Cang Sớ Sao. Nghe nói thiền chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, Ngài nổi giận bảo: “Kẻ xuất gia muôn kiếp học oai nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật, còn chẳng được thành Phật. Những kẻ ma phương Nam (chỉ các Thiền sư) dám nói trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết những giống ấy để đền ân Phật”.
Thế là Ngài khăn gói lên đường mang theo bộ Thanh Long Sớ Sao nhắm phương Nam mà tiến. Trên đường Ngài gặp bà già bán bánh, bèn nghỉ chân và bảo bà lấy ít bánh điểm tâm.
Bà già chỉ gánh kinh của Ngài hỏi: - Gói ấy là sách vở gì?
Ngài đáp: - Thanh Long Sớ Sao.
Bà hỏi tiếp: - Thầy thường giảng kinh gì?
Ngài đáp: - Kinh Kim Cang.
Bà nói: - Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được tôi xin dâng bánh cúng dường, bằng đáp không được mời thầy đi cho.
Ngài gật đầu. Bà hỏi: - Kinh Kim Cang nói “Quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, vị lai bất khả đắc”, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?
Ngài trả lời không được, mang bụng đói thẳng đến phương Nam. Gặp được Thiền sư Long Đàm Sùng Tín và sau Ngài trở thành một vị Thiền sư nổi tiếng của Tông môn khi liễu đạt được hai chữ “kiến tánh”. Vì vậy chúng ta cần phải nắm vững những điều thiết yếu trên quá trình tu tập, thì công phu mới mong đạt được kết quả viên mãn.
Theo Thiền tông Việt Nam
coitaba.net