Thế nào là Bố thí ba la mật?

05/10/2021 03:53 PM

Trên đường tu, ngoài thầy bạn là những vị thiện hữu dìu dẫn chúng ta đi đúng chánh pháp, mỗi người còn phải có quyết tâm, có ý chí sắt đá thì đạo nghiệp mới có thể thành tựu. Bởi vì tu hành không phải là chuyện thường tình đơn giản, nên không những chúng ta quyết tâm mà còn phải quyết tử nữa.

Nếu không chúng ta dễ bị lay chuyển bởi những cam go chướng ngại trong lúc tu tập. Người xưa nói: “Nếu không gắn chữ tử trên trán thì công phu nhất định không tiến”. Vì vậy chúng ta phải có những chuẩn bị cần thiết cho mình.

Trong kinh Tư Ích có dạy về pháp Lục độ ba la mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là những pháp tu thiết yếu giúp chúng ta tiến nhanh trên con đường Bồ-tát đạo. Ở đây xin nói về Pháp thứ nhất là bố thí ba la mật. 
 
Khi nói đến bố thí, thông thường chúng ta hay nghĩ phát tâm cho người khác tiền bạc của cải không tiếc, gọi là bố thí. Ở đây, bố thí ba la mật không phải như vậy.

Theo tinh thần của Đại thừa cũng như của nhà thiền thì bố thí là, làm sao buông bỏ được phiền não của chính mình. Loại bỏ tất cả những cặn bã ô nhiễm trong lòng mình, làm sao trong từng giây phút, trong từng sinh hoạt, luôn luôn không có những tâm niệm triền phược trong lòng.
 
Tùy theo mức độ loại bỏ mà chúng ta đạt được trình độ bố thí khác nhau. Loại bỏ được bao nhiêu phần trăm thì tinh thần bố thí của chúng ta đạt được bấy nhiêu phần trăm. Nếu loại bỏ được hoàn toàn tất cả phiền não trong lòng, thì ta đạt được tinh thần bố thí ba la mật. Được vậy đứng trước bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng cảm thấy bình an thanh thản. Việc này tuy khó làm, nhưng không phải làm không được.
 

Ở đây đòi hỏi sự tỉnh giác của hành giả. Khi nào tỉnh và giác thì chúng ta có thể loại bỏ những thặng dư, phiền trược ô nhiễm. Bỏ được chúng tức ta đã thực hành bố thí. Có khi chỉ với một việc thường trong đời sống thôi, cũng đủ làm chúng ta mất ăn mất ngủ, huống hồ những dấy niệm lăng xăng lôi cuốn cả cuộc đời, cả sinh mệnh của mình. Chúng ta đã mất mình trong những thứ ấy nhiều quá rồi.
 
Người tu phải là người biết làm những việc chính đáng, còn những gì không chính đáng thì loại ra, bỏ đi. Nghĩa là phải bố thí những thứ cặn bã không cần thiết, còn những gì đúng với đạo lý thì cố gắng hành trì. Đó là người biết bồi dưỡng các công đức lành. Việc làm này đòi hỏi sự quyết tâm và lòng kiên trì, nếu hay quên hoặc dễ vui qua ngày thì làm được gì.
 
Thông thường chúng ta nghe nói bố thí nội tài là buông bỏ những thứ bên trong mình như đầu mắt tay chân… Điều đó không sai, nhưng chỉ là phần thân ngoài, còn những thứ dấy niệm vọng động trong tâm mới là nội tài chính. Phải bố thí hết những thứ này, thì đời sống của chúng ta mới được thanh tịnh an vui. Có thanh tịnh mới đi đến giải thoát, giải thoát ngay trong hiện tại. Tu như vậy mới đúng theo tinh thần Phật dạy.
 
Về phần bố thí ngoại tài, như của cải vật chất bên ngoài, chúng ta mở lòng chia sẻ cho người khác. Nếu không có tinh thần đạo lý, không dễ gì ta thấy chúng là những thứ bên ngoài. Chỉ khi nào mình có được sự tỉnh giác, thấu hiểu bản chất vô thường của chúng, thì mới yên lòng thực hành hạnh bố thí một cách viên mãn. Hai loại tài sản trên, khi nào chúng ta bố thí trọn vẹn thì mới gọi là bố thí ba la mật.
 
Bước đầu của người tu thiền là buông bỏ những vọng tưởng lăng xăng của mình. Nhưng nếu không tỉnh giác thì không dễ gì buông được. Không tỉnh giác thì làm sao biết nó giả, cho nên nó dấy lên mình theo dính với nó, nói gì chuyện buông. Vì vậy trong giai đoạn này phải cần đến trí dụng để hóa giải chúng. Đây là giai đoạn thực hành công phu ban đầu.
 
Trong hai thứ bố thí trên, bố thí nội tài là quan trọng. Song với người tu Phật dù nội tài hay ngoại tài thảy đều bố thí hết. Nói thế, có người sẽ đặt vấn đề: Với người có của cải phương tiện thì bố thí được, còn người đầu tắt mặt tối, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc thì làm sao bố thí? Hiểu như vậy, người nghèo không tu được hạnh bố thí sao? Hoàn toàn không phải thế.
 
Người nghèo không có của thì có công. Chúng ta chẳng thể giúp tiền bạc thì giúp người bằng lời nói, bằng hành động. Như nắm tay một cụ già qua đường, đỡ một em bé vừa vấp ngã, lặn xuống sông cứu người vừa bị chết đuối… không thiếu chi cách bố thí. Quan trọng là ở cái tâm. Tâm lượng rộng lớn thì dù làm một việc nhỏ công đức cũng nhiều. Tâm lượng nhỏ bé thì dù có tổ chức đình đám rình rang, công đức cũng chẳng được bao nhiêu.
 
Nên nhớ phải tỉnh sáng tùy thời tùy hoàn cảnh mà tu. Tóm lại nếu người biết tu thì trong hoàn cảnh nào tu cũng được. Làm sao cố gắng bồi dưỡng phát triển sự tỉnh giác và trí dụng trong mọi lúc mọi nơi. Có vậy việc tu hành mới tăng tiến. 

Thanh lọc thân và tâm
Xả bỏ đi phiền não
Hành giả lìa điên đảo
Hướng về cội chân như
 
 
Theo Thiền tông Việt Nam

Coitaba.net
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]