Từ chân lý đến siêu hình
Phần tinh-ba nhất của con người là tư-tưởng. Con người có thể tự-hào rằng mình hơn vạn-vật ở chỗ biết suy-tưởng. "Người là một cây sậy biết suy tưởng", câu nói ấy vừa thú nhận sự yếu đuối của con người trước vũ-trụ mà cũng lại vừa đề cao khả năng bất-diệt của con người trước vũ-trụ.
Đứng trước vạn tượng bao la, và nhìn lại bản-thân mình, con người khát-khao được hiểu biết. Hiểu biết để được thỏa mãn, và hiểu biết để sống cho đáng sống. Chính khuynh-hướng muốn tìm hiểu ấy đã làm nẩy sinh ra triết học.
Nhân loại ngày nay đã hiểu biết tới đâu? Triết học đã vạch ra được con đường tiến của con người chưa? Đã giải quyết được những nỗi thắc mắc lớn lao của con người về cuộc sống, về vũ-trụ và về bản thân của con người chưa?
Đó là những câu hỏi mà chính những con người có khả năng suy-tưởng nhất cũng phải ngậm-ngùi mỗi khi nghĩ đến.
Người ta băn-khoăn tự hỏi tri-thức con người có đủ khả-năng để đạt đến sự thực hay không. Nếu không thì con người còn suy-tưởng làm chi. Thà rằng cứ ù-ù cạc-cạc mà sống trong cuộc đời, bởi vì sự suy-tưởng vô vọng ở đây chỉ làm cho con người thêm đau khổ.
Nhưng con người không thể không suy-tưởng. Sống là suy-tưởng, và vì thế, dù triết học là một môn học không-hư, viển-vông, vô-ích thì triết-học cũng còn phải tồn-tại mãi mãi; bởi vì khi con người còn suy-tưởng đến những vấn-đề căn-bản của kiếp người thì triết-học vẫn còn. Ba nghìn năm lịch-sử của triết-học hình như đã nói với ta như thế.
Vào buổi rạng đông của triết-học, con người rất tin tưởng ở khả-năng tri-thức của mình. Nhưng cùng với những triết-gia hoài-nghi, lòng tin ấy mất dần, mất dần… Càng đi sâu vào sự suy-tưởng, con người càng cảm thấy rõ ràng cái bất-lực của tri-thức nhân loại! Con người lại càng bi-quan hơn nữa khi thấy bên cạnh cái tri-thức yếu đuối và hèn kém ấy, còn có một tâm-hồn nặng-trĩu những ước-vọng đen tối, xấu- xa. Chính những mờ tối, cố-chấp và chủ-quan nầy đã dự phần vào việc che lấp phần khách-quan đáng quý mà tri-thức cần phải đầy đủ.
Với những vốn liếng nghèo-nàn như vậy mà con người đã dám hy-vọng có thể tìm ra chân-lý. Đã thế lại còn muốn bay xa, rất xa trong cõi siêu hình. Càng xa càng hay. Cần gì đến thực nghiệm! Thái độ "duy lý" cũng đã đủ để đảm bảo rồi! Vướng vào thực-nghiệm làm sao mà bay xa đuợc! Và như thế, con người tha hồ tự do kiến tạo những giấc mộng siêu hình.
Nói "những giấc mộng siêu hình" rất đúng, vì chính những kiến tạo duy-lý của con người về siêu-hình đều do những động lực rất chủ quan của con người sắp đặt: phần lý-trí nhiều lầm lạc và thành-kiến, phần tình cảm nhiều mờ-ám, thiên lệch, cho nên giấc mộng của tôi không phải là giấc mộng của ngài, và loài người có đến muôn ngàn giấc mộng… Đã có ai công nhận của ai là đúng đâu.
(còn nữa)
Tác giả: Phương Bối