Những triết lý kết tinh từ nguyên lý thập nhị nhân duyên

24/06/2019 05:55 PM

Mười hai nhân duyên, hay Duyên khởi, là nguyên lý của mọi hiện hữu. Nó là sự thật hiển nhiên nên không bị giới hạn trong không gian và thời gian.

Ðức Phật khẳng định rằng: "Duyên sinh là thực tính của mọi hiện hữu, sự thật này không thay đổi cho dù Như Lai có xuất hiện hay không ". 

Một hiện hữu dù nhỏ như hạt nhân của nguyên tử đến to lớn như vũ trụ cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Với đặc tính đó, giáo lý mười hai nhân duyên có thể dùng để soi sáng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời như luân hồi, nhân quả... tùy thuộc theo góc quan sát của người giải thích. Ở đây chỉ giới thiệu 4 cách dạng thức giải thích phổ biến.

Dạng thức tổng quát :

"Do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt". (Tiểu Bộ kinh, tr.291). 

Dạng thức này là cách trình bày khái quát, tóm tắt và đơn giản nhất do chính Ðức Phật nói. Nó được xem như là một nguyên lý cho mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng. Nói chính xác hơn, nếu mười hai nhân duyên là dạng thức duyên khởi riêng về con người, thì dạng thức tỗng quát nói về bản chất của thế giới hiện tượng, đặc biệt là thế giới không có tình thức (khí thế giới).

Ba đời hai tầng nhân quả (Tam thế lưỡng trùng nhân quả) :

Ba đời là quá khứ, hiện tại và tương lai (vị lai). Theo cách giải thích này, vô minh và hành thuộc về quá khứ; hiện tại gồm có 8 chi phần (từ thức đến hữu); sinh và lão tử thuộc về vị lai. 

Mặt khác, 4 chi phần: thức, danh sắc, lục nhập và xúc, được xem là quả hiện tại của nhân quá khứ là vô minh và hành, đây là tầng nhân quả thứ nhất. Các chi phần thọ, ái, thủ và hữu là nhân hiện tại cho quả vị lai là sinh và lão tử; đây là lớp nhân quả thứ hai. 

Sự phối hợp giữa 2 lớp nhân quả này với các duyên tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ, tương tục của dòng chảy thời gian: quá khứ - hiện tại - vị lai. 

Qua cách giải thích này, giáo lý mười hai nhân duyên có thể giải thích thuyết luân hồi khá rõ ràng. Tuy nhiên, cách phân chia như trên sẽ dễ đưa đến sự hiểu lầm: là vô minh và hành chỉ có ở quá khứ, 8 chi phần tiếp theo chỉ có ở hiện tại, sinh và lão tử thì thuộc về tương lai (!). Thực ra, trong hiện tại (và ngay trong mỗi chi phần) đã có mặt vô minh và các chi phần khác. Khi một chi phần hiện hữu thì lập tức có sự hiện hữu của mười một chi phần còn lại. 





Nếu một chi phần bất kỳ bị thiếu (diệt) thì mối liên kết 12 chi phần nhân duyên tự sụp đổ. Như đã phân tích, mười hai nhân duyên là một dòng tương tục, chằng chịt, không hề lệ thuộc vào thời gian (quá khứ, hiện tại hay tương lai), tức không có tính thời điểm. 

Cần hết sức cẩn trọng khi thấu triệt giáo lý này, nếu không sẽ vô tình làm thô thiển và đơn giản hóa giáo lý mười hai nhân duyên - một giáo lý thâm diệu và tinh tế.

Nhân quả đồng thời :

Khi nói "Do vô minh, hành sinh ra...", không nên hiểu là hành do vô minh sinh ra. Giữa vô minh và hành... là mối quan hệ nhân quả tuyến tính, đơn phương; nghĩa là các chi phần trong mười hai nhân duyên hiện hữu tùy thuộc vào yếu tố thời gian (trước - sau). 

Cách giải thích này nói rằng, ngay trong một sát-na  đã có sự hiện hữu đầy đủ của cả 12 chi phần. Khi ý niệm lệch lạc về một cái tôi và cái của tôi (tự ngã) có mặt, lập tức có mặt chuỗi nhân quả tương tục: ý chí tạo tác (hành), tri giác phân biệt và chấp thủ (thức)... đến lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não. Mỗi một chi phần vừa là quả vừa là nhân cho các chi phần khác, chúng nuôi dưỡng, tương hỗ lẫn nhau.

Sự hiện hữu của một đời sống con người (mạng căn) :

Một trong 3 yếu tố quyết định để hình thành một thai nhi là có sự hiện hữu nghiệp thức đi đầu thai (2 yếu tố còn lại là tinh trùng của bố và minh châu của mẹ). Nghiệp thức này là kết quả của vô minh và hành trong quá khứ. 

Giai đoạn tượng thai chính là thời điểm danh sắc có mặt. Lục nhập là giai đoạn thai nhi hình thành đầy đủ các căn.

Giai đoạn trẻ bú mớm là giai đoạn của xúc. Từ đây trở về trước, theo lối giải thích này, là biểu hiện của nghiệp quá khứ, trẻ chưa tác ý thiện ác để tạo nên nghiệp hiện tại.

Trẻ từ 3-5 tuỗi là lúc thọ hình thành. Khi trẻ biết vui, buổn, ưa, ghét... là lúc ái, thủ, hữu hình thành và chính đây mới là giai đoạn mà trẻ tạo nghiệp để đưa đến hình thành một thân mạng mới ở tương lai (sinh, lão tử).

Từ những nhận định này, chúng ta thấu hiểu hơn tính chất giả hợp của đời sống, để nhận thức sâu sắc hơn chân giá trị về kiếp nhân sinh.

Coitaba.net (TH)
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]