Biết sống cân bằng giữa Đời và Đạo

16/11/2021 06:41 PM

Sống giữa cuộc đời, hãy lấy những bài học cuộc đời để đến gần hơn với đạo. Hay nói cách khác, là làm sao để những trải nghiệm cuộc đời nương vào đạo mà hành. Vì thế, đạo và đời chẳng thể tách rời nhau. Tục đế hay chân đế đều có ý nghĩa riêng của chúng, và không thể phủ định tục đế để chỉ có chân đế. Trong đời sống, bài học lớn nhất của kẻ phàm phu là làm sao để thăng bằng giữa đạo và đời. 

Đạo không thể đưa ra áp dụng, mà chỉ có thể nương theo sự thật ấy để ứng dụng trong đời sống. Mỗi con người trên thế gian, ai ai khi chào đời cũng có một sinh nghiệp riêng. Sự thật tuyệt đối là đúng đắn cho tất cả, thế nhưng con đường để nhận ra sự thật tuyệt đối ấy thì mỗi người lại mỗi khác. Không thể bắt chước, không thể lấy một hình mẫu nào để noi theo, để áp dụng.

Có người nhận ra chân lý về khổ, vô ngã, vô thường trong sự phá sản, có người thì ở trong một hôn nhân tan vỡ, có người lại khi cận kề cái chết,... Thành ra, không phải ai ai cũng có thể dứt bỏ cuộc đời mà tu hành, và thực sự, trong thời buổi hôm nay, dường như việc hòa vào cuộc đời mà tu học lại có hiệu quả hơn cả. 
 

Ở trong cuộc đời, đối diện với những trách nhiệm như trách nhiệm làm chồng/vợ, làm cha/mẹ, làm con/cháu, làm sếp/nhân viên,... khiến người ta, một là bị cuốn trôi theo chuyện đời để rồi mất cân bằng, hai là vẫn trải nghiệm công việc cuộc đời nhưng vẫn biết mình trong mọi hoàn cảnh. Như vậy, sống giữa đời mà biết thăng bằng là cách tu học thực sự tốt đẹp. Vì cũng chính giữa cuộc đời với những xáo trộn này, nó mới là một cú hích để con người ta trải nghiệm tận cùng cung bậc đời sống để từ đó đi sâu vào bản chất cuộc sống. Nhiều cái tát mà cuộc đời dành cho mỗi người lại là hồi chuông thức tỉnh. 
 
Nhiều người khi bước vào con đường đạo lại từ bỏ hay trốn tránh việc đời: vợ con không chịu chăm lo, lười biếng không chịu kiếm tiền, lạc vào thói quen tu tập để rồi dính mắc chứ không linh hoạt trải nghiệm để thấy ra, trốn tránh thị phi,... Thế nhưng, các hiện tượng này lại cho thấy rằng họ không hiểu gì về đạo.

Đạo là sống đời mà nương theo đạo mà hành, chứ không phải tách rời đời để được yên thân. Như vậy, sự tu học vẫn đang là nhầm lẫn. Tất nhiên, nói vậy không có nghĩa bảo những người xuất gia đi tu là trốn tránh việc đời, mà có thể sinh nghiệp của họ như vậy, và việc sống ở đời không còn phù hợp với họ nữa, nên xuất gia đi tu là lẽ thường tình. 
 
Tu đúng là tu theo sinh nghiệp của mình, tức vẫn là tùy duyên thuận pháp. Nếu sinh nghiệp của bạn là lấy vợ sinh con, thì hãy lấy bối cảnh đó làm chốn tu học cho mình. Là làm sao để vẫn trọn vẹn trách nhiệm của một người cha/mẹ, người chồng/vợ, trong khi vẫn nương theo đạo mà hành. Đừng cố thay đổi bất cứ ai, đừng cố gắng cảm hóa một người nào, cứ độ mình cho thật tốt, rồi chuyện có độ được người hay không, thì hãy để pháp lo.

Trang Ps
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]