Theo lẽ tự nhiên thì đúng ra, đời sống con người cũng sẽ tồn tại như các loài động vật. Khi được sinh ra trong trời đất này, ắt hẳn, tự nhiên sẽ dành phần cho ta “đủ dùng”. Được đất trời dung dưỡng là chúng ta có thể tồn tại, theo bản năng sinh tồn của từng cá thể và trong điều kiện của cân bằng tự nhiên. Có câu “trời đất có lẽ hiếu sinh” là như vậy.
Mọi vấn đề này sinh từ bao đời bao kiếp là do con người thông minh quá. Chết nỗi ở cái từ “quá” này. Cái gì “quá” cũng nảy sinh bất cập.
Thực tế, con người có trí “thông minh” nhưng không đồng nghĩ với “trí tuệ”. Trí “thông minh” này rất tai hại và gây phiền não cho con người từ muôn đời muôn kiếp. Vì “thông minh quá” mà lại không đạt được các tri giác cần thiết, tới tầm vóc được gọi là “trí huệ”, con người tự làm khổ mình và gây phiền toái cho đồng loại và hầu hết các giống loài khác trên hành tinh này, trong hành trình đi tìm hạnh phúc.
Vì quá thông minh, con người đã biết “tham cầu”. Con người muốn có nhiều hơn cái “nhu cầu”, cái mà trời đất ban cho. Con người không “biết đủ”.
Từ “tham cầu”, con người biết tích lũy; rôi sau đó nâng lên thành sự “so sánh”, “hơn thua”… về cả vật chất và tinh thần. Từ đó con người biết “cạnh tranh”. Mưu ma chước quỷ từ đó mà sinh sôi nảy nở.
Như thế, con người dường như không thoải mái bằng các loài động vật, như hổ báo cáo chồn, tồn tại và mất đi tùy kỳ tự nhiên. Nó sinh ra, tồn tại, săn mồi, mất đi… một cách thanh thản như vốn dĩ nó phải thế. Khi bị bệnh, chúng có cơ chế tự chữa lành, không phải đến bệnh viện. Chúng học tất cả từ tự nhiên, không phải đến trường học các giáo lý. Chúng hòa đồng với nhau tồn tại và hầu như không có mưu ma chước quỷ tàn hại lẫn nhau.
Như thế, con người dường như không bao giờ tìm thấy “hạnh phúc đích thực”. Chúng ta dường như luôn hướng đến đường chân trời, nơi có chiếc cầu vồng đẹp đẽ bắc ngang sau cơn mưa giông. Nhưng đi mãi, hết đời hết kiếp vẫn chưa đến.
Con người tự xây dựng các học thuyết, khám phá khoa học, các nền tảng kho tàng tri thức… để hòng tự phục vụ mình, những mong hạnh phúc hơn. Nhưng đến nay, vẫn chưa định nghĩa được rõ ràng, thế nào là hạnh phúc? Vẫn không biết chắc, mình tồn tại để làm gì?
Nhưng có một điều chắc chắn, chừng nào con người chưa “biết đủ”, còn “tham cầu”, chừng đó, chúng ta càng có nhiều phiền não và càng khó chạm tới hạnh phúc đích thực.
Xuân Tâm (coitaba.net)