Không ngoài nhân quả - P2

01/09/2021 03:39 PM

Đã là nhân quả thì việc gì đến nó phải đến. Nhưng nếu chúng ta biết chuyển hóa nó với tấm lòng bao dung, TỪ BI HỈ XẢ, xả bỏ hết các nghiệp xấu ác, mọi cái sẽ ổn.

Đặc ân mà con người đã nhận được từ thiên nhiên là quá nhiều. Con người đã được nuôi dưỡng bởi muôn vàn các loài hoa thơm, trái ngọt để không ngừng tiến hóa hàng triệu năm qua. Biển cả và rừng già. Những dòng sông và những cánh đồng. Mẹ trái đất đã dành tất cả cho chúng ta, hầu dưỡng dung cả thể xác và tâm hồn chúng ta.

Nhìn từ triết lý nhân quả, với một tâm thế quân bình, không sân hận, chúng ta hãy thử xem lại cách con người tận hưởng cuộc sống, tùy tiện lạm dụng các công cụ, sản vật của tự nhiên ban tặng, thỏa mãn dục lạc nhất thời một cách vô độ và sau đó, nhận lấy những đòn trừng phạt của tự nhiên.

Khi quá lạm dụng sex, HIV đã xuất hiện. Con người ứng phó bằng bao cao su. Chiếc BCS tưởng là công cụ của văn minh, nhưng nó đã thực sự tước đi cảm xúc đích thực của con người. Mối giao cảm giữa âm - dương đã không còn trọn vẹn.

Khi phát triển giao thông, công nghiệp và khai khoáng, con người gây nạn ô nhiễm toàn cầu. Bệnh ưng thu và hàng loạt các loại bệnh tật xuất hiện lan tràn. Và chiếc khẩu trang xuất hiện che chắn đường thở của chúng ta. Mũi và miệng là nơi giao hòa với tự nhiên nay chúng ta phải tự bịt lại. Theo Phật, đường thở là nơi giao thoa giữa thân và tâm, giữa tướng và tánh, giữa thế giới vật chất và tâm linh; nay chúng ta phải bịt lại để cứu lấy mạng sống của chính mình.

Và chiếc khẩu trang hiện cũng đang là cứu cánh trong công cuộc chống lại Covid-19. Các công dân toàn thế giới coi khẩu trang là vật bất ly thân, thậm chí đeo lồng 2 chiếc. Bạn hãy hình dung 8 tỷ người với chiếc khẩu trang trên mặt, lầm lũi di chuyển khắp nơi trên quả địa cầu, thật khó tả biết bao…

Và con người còn mắc một thứ nghiệp chướng nữa là “khẩu nghiệp”, qua những luận thuyết hoang đường, thói rao giảng đạo đức giả, ăn không nói có, hùng biện vô lối và xáo rỗng, đâm bị thóc chọc bị gạo, sử dụng khẩu ngữ, khẩu hiệu, xảo ngữ… ma mị con người, mà Phật gọi đây là “vọng ngữ”; thì việc chúng ta phải mắc nghiệp “đeo khẩu trang” để bớt nói đi, giảm âm đi, khó nói hơn… cũng có thể là xứng đáng.

Như vậy, có 2 con đường con người trao cảm xúc lẫn nhau và giao hòa với tự nhiên, cả trên và dưới thân thể, chúng ta đã bị cưỡng bức phải bịt lại. Còn nỗi khổ nào hơn?

Giáo lý vô ngã đã bị con người gạt sang một bên một cách phũ phàng, với các học thuyết tự tôn, chuyên quyền. Chúng ta tự cho mình quyền sinh quyền sát với muôn loài. Kẻ mạnh hơn thì khống chế kẻ yếu để tiếm quyền đoạt lợi. Covid dạy cho chúng ta bài học về sự công bằng hơn, giàu nghèo sang hèn gì cũng có thể bị nhiễm bệnh như nhau. Thậm trí người giàu có nhiều hoạt động làm ăn, giao du rộng rãi, ăn chơi trác táng…, khả năng NHIỄM dịch cao hơn và khả năng MIỄN dịch lại kém hơn. Như cái cây, bên nào nặng hơn thì nghiệp báo sẽ ngả theo chiều ấy.



 

Con người đã tỏ ra chiếm thế thượng phong, cho mình quyền quyền sát hại mọi giống loài khác; thì nay, con siêu vi nhỏ bé đang xâm hại con người. Để chúng ta nếm trải nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự dày vò trước khi chết, sự bất lực trước cái chết… mà chúng đã phải trải qua từ nhiều đời nhiều kiếp.

Ngành chăn nuôi công nghiệp phục vụ nhu cầu hàng ngày của con người với hàng triệu triệu gia súc, gia cầm bị cầm tù nuôi nhốt trong không gian chật hẹp, giẫm đạp lên nhau mà sống, chờ ngày vào lò mổ; Chúng phải giao phối cưỡng bức để sinh sản, ăn ngủ tồn tại một cách cưỡng bức. Chúng sống không có ánh mặt trời, không được hưởng làn gió mát của thiên nhiên…

Kể cả động vật hoang dã bị săn bắt - đều là những chúng sinh có giác cảm sinh ra trên trái đất này, nhưng bị con người truy cùng diệt tận, hành hạ đến lúc chết. Trong chúng tích tụ lòng sân hận, sợ hãi và oán thán ngút trời. Còn chúng ta vui mừng và đắc chí ăn thịt chúng, những miếng thịt chiên xào thơm ngon nhưng chứa đầy oán hận của các chúng sinh… Nghiệp chướng này con người rồi cũng phải gánh lấy.

Và bây giờ, chúng ta phải tự cách ly cô lập trong chính ngôi nhà của mình, hoặc bị tập trung vào các khu cách ly điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Dù chỉ trong một thời gian nhất định, nhưng chúng ta cũng phải nhận lấy sự thiếu thốn, bức bối, ê chề… của kẻ bị giam hãm. Chúng ta thèm khát không gian, cỏ cây, ánh mặt trời và làn gió mát; những thứ mà mẹ trái đất ban cho miễn phí hàng triệu năm qua.

Và để đảm bảo năng suất, ngành chăn nuôi công nghiệp luôn tiêm vacxin cho vật nuôi, bất cần biết chúng thích hay không. Và nay, tất cả chúng ta cũng vậy. Chúng ta không những phải tiêm 1 mũi mà có khi 2, 3 mũi. Dù chúng ta không muốn, không thật yên tâm về chất lượng Vacxin, nhưng thử hỏi, chúng ta có quyền lựa chọn?

Chúng ta gây hoảng loạn cho loài vật trước khi giết mổ như thế nào, thì nay, chúng ta cũng hoảng loạn khi đi cách ly hay điều trị như thế.

Những hố chôn tập thể bệnh nhân tử vong cho chúng ta hình ảnh rất quen thuộc về việc chôn các vật nuôi gia súc gia cầm, khi chúng nhiễm bệnh.



sự tàn khốc của Covid

Và còn điều gì nữa?

Nhưng chúng ta không cần sợ hãi. Vì nếu là nhân quả, thì việc gì đến nó phải đến. Nếu chúng ta biết nhìn thẳng vào gốc rễ đó, chuyển hóa nó với tấm lòng bao dung, với năng lượng của lòng từ bi, với tâm hỷ xả, xả bỏ hết các nghiệp xấu ác, mọi cái sẽ ổn.

Nếu bạn tin vào vô thường, thì chắc chắn, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua.

coitaba.net

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]