Triết lý tâm vô thường

02/05/2019 05:25 PM

Ý niệm trong tâm sinh khởi vô cùng vô tận. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế nó cứ chồng chất lên nhau. Ý niệm càng nhiều càng mạnh, thì vọng thức càng phát sinh và dĩ nhiên tâm càng vọng động, không yên ổn.

Nếu để ý sẽ thấy tâm niệm của ta thay đổi từng giây từng phút, biến chuyển không ngừng. Đang vui, bỗng chuyển sang buồn. Phút này đang nghĩ chuyện này, phút sau lại nghĩ chuyện khác. Đầu óc luôn suy nghĩ vẫn vơ, không đầu, không cuối. 

Chính vì cái tâm biến đổi mau lẹ như vậy, và thiếu chánh niệm (sự chú tâm) nên  ta tưởng như nó không thay đổi gì cả. 

Tâm của chúng ta được hình thành bởi các niệm, cứ khởi lên, sanh rồi diệt. Vì chúng ta không nhận ra sự biến chuyển mau lẹ của nó, nên chúng ta cứ tưởng là nó đơn thuần và bất biến. Nếu chú tâm, ta sẽ thấy cái tâm phút trước đâu còn là cái tâm phút này? Và cái tâm phút này đâu chắc không phải là cái tâm phút sau? Vậy cái tâm nào là cái tâm thật? Cái tâm (niệm) phút trước, cái tâm (niệm) phút này, hay là cái tâm (niệm) phút sau? 


 

Vì thế mà Đức Phật dạy rằng: “Tâm người như vượn chuyền cành, như ngựa chạy rông nơi đồng nội”. 

Thật vậy, tâm niệm của ta sinh diệt trong từng sacna (1 phần của giây). Mỗi khi ngũ căn tiếp xúc với ngũ trần (mắt nhìn, tai nghe, lưỡi nếm, mũi ngửi, xúc chạm làm thân ta có cảm giác) thì trong tâm thức tức thì nảy sinh ý niệm. 

Kể cả khi đóng các căn (không nhìn, không nghe, không chạm…), trong tâm ta vẫn liên tục khởi lên các ý niệm, như sóng mặt hồ hết đợt này đến đợt khác.

Thế nên ý niệm trong tâm sinh khởi vô cùng vô tận. Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và như thế nó cứ chồng chất lên nhau. Ý niệm càng nhiều càng mạnh, thì vọng thức càng phát sinh và dĩ nhiên tâm càng vọng động, không yên ổn.

Tâm chứa đầy vọng thức thì dĩ nhiên chân tâm biến mất, thiếu sự tĩnh lặng (tịch tịnh) và những ô nhiễm như tam độc, triền cái (Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi…) cũng vì thế mà tác tạo liên tục để hành hạ con người và đưa ta lún sâu vào vô mình. 


 

Có thân tâm, còn tạo nghiệp là còn sinh tử, còn đau khổ. Thế thì cũng như cái thân,  tâm ta cũng thật là vô thường, tạm bợ và giả tạo. Thế mà vì sự vô minh, ta đã hoang tưởng, cho nó là trung tâm của vũ trụ để bám víu vào, nhân danh nó để tham ái, và làm không biết bao nhiêu điều tội lỗi, phá hủy thiên nhiên và gây đau thương cho người khác. 
 
Triết lý tâm vô thường - vô ngã là gốc rễ của Nguyên lý Tứ Diệu đế, chân lý căn bản nhất của Phật pháp, đã được Đức Phật chứng ngộ và truyền bá tới chúng sinh suốt hơn 2.500 năm qua.

coitaba.net
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]