Sự vận hành của Thập nhị nhân duyên

24/05/2019 06:56 PM

Vì không nhận biết được rằng, sự hiện hữu (con người và thế giới) là do nhân duyên mà sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là “Tôi” và đây là cái “Của Tôi” (Vô minh).

Thông qua ý nghĩa của các chi phần trong thập nhị nhân duyên, đặc biệt là chi phần lục căn, một lần nữa khẳng định rằng, dạng thức duyên khởi này là giáo lý nói về con người, bởi vì chỉ ở con người mới có đầy đủ 6 cơ quan tri giác. 
 

Do vậy, khi nói về sự vận hành của mười hai nhân duyên cũng chính là nói về sự vận hành con người.
Vì không nhận biết được rằng, sự hiện hữu (con người và thế giới) là do nhân duyên mà sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng, nên con người ảo tưởng về một tự ngã: đây là “Tôi” và đây là cái “Của Tôi” (Vô minh). 
 
Chính ảo tưởng và sự bất giác này quấy động tâm thức, làm sinh khởi lòng tham ái, chấp thủ... Và đó là động cơ cho các hành động của thân, khẩu và ý (Hành). Đây có thể hiểu đã hình thành một luồng nghiệp lực đễ sẵn sàng đưa chúng sinh vào kiếp luân hồi.
 
Mỗi khi ý niệm về một tự ngã sinh khởi thì Thức có mặt. Thức như một điều kiện cần để sẵn sàng xuất hiện một chúng sinh. 
 
Sự hiện hữu của Thức tất yếu đòi hỏi sự có mặt của chủ thể chính là Danh - Sắc (điều kiện đủ). Khi đó một chúng sinh đã hình hài với đầy đủ các yếu tố của Ngũ Uẩn.
 
Tùy thuộc Danh sắc thì xuất hiện lục căn, là các cơ quan nội tại có khả năng nhận biết ngoại cảnh:  nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Đối tượng của lục căn là lục trần (6 cảnh trần) là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
 
Khi lục căn tiếp xúc với lục trần, sinh ra lục thức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; Khi căn, trần và thức gặp gỡ nhau (Lục nhập), thì Xúc sinh khởi. 
 
Cảm thọ (Thọ) có mặt ngay khi căn, trần và thức giao thoa nhau; cảm thọ sẽ tuôn chảy như một dòng thác mà không một năng lượng nào có thể ngăn cản được, vì bản chất của cảm thọ là thế. Thọ bao gồm những phản ứng tâm lý trước đối tượng như là buồn, vui, yêu, ghét, trung tính... (khổ thọ, lạc thọ…). Cảm thọ dễ chịu sẽ làm phát sinh luyến ái (Ái). 
 
Khi có ái dục, ắt sinh lòng bám víu, chấp lấy, từ đây Thủ hình thành. Trong Ái đã bao hàm chấp thủ và nó được biểu hiện dưới nhiều hình thức tương ứng với các cảnh giới của tâm thức (Hữu). 
 
Hữu tạo ra Sinh, và mỗi khi đã có Sinh, thì tiến trình suy yếu, tan rã, mất đi sẽ vận hành như một hệ quả đương nhiên: nghĩa là lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não; hay khỗ đau có mặt. 

 



Ðó là sự vận hành của mười hai nhân duyên theo chiều sinh khởi (lưu chuyển) - chiều vận hành này có động lực là vô minh, tham ái và chấp thủ. Đây chính là con đường của khỗ đau, luân hồi được dẫn dắt và chi phối bởi vô minh.
 
Trong phần thuyết minh về mười hai nhân duyên, Ðức Phật không chỉ nêu lên con đường tập khởi, như đã phân tích ở trên, mà Ngài đã chỉ ra nguyên nhân tập khởi và con đường đoạn tận (hoàn diệt). Mỗi khi đoạn diệt bất kỳ một chi phần nào trong chuỗi 12 mắc xích (nhân duyên), thì lập tức nó tự tan rã. 
 
Tuy nhiên, với con người, tham ái và chấp thủ là nặng nề nhất; nên đoạn tận tham ái hoặc chấp thủ thì vòng xích mười hai nhân duyên không còn lý do để hiện hữu. Ðó là ý nghĩa của lời Phật dạy: "Ái diệt tức Niết bàn".
 
Sự vận hành của mười hai nhân duyên không chỉ đơn giản là tiến trình hình thành một sinh mạng (từ ý niệm tối sơ về sự hiện hữu đến hơi thở cuối cùng), mà sự vận hành của nó (chiều thành lập - lưu chuyển) nói lên căn nguyên có mặt của con người (và cuộc đời).  Nó không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. 
 
Bao giờ tham ái, chấp thủ hoặc vô minh chưa được đoạn tận thì con người vẫn bị chi phối bởi sự vận hành của mười hai nhân duyên - nghĩa là vẫn luẩn quẩn trong luân hồi, khỗ đau bất tận. Chỉ khi 12 nhân duyên đoạn diệt, đồng nghĩa với toàn bộ khỗ uẩn đoạn diệt, con người mới được giải thoát.
 
Coitaba.net
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]