Bình tâm trong khủng hoảng

12/05/2020 06:03 PM

Mỗi khi phải đương đầu và giải quyết một vấn đề, bạn hãy xem đó như là một dịp tu dưỡng tính cách cho mình và cho tổ chức của mình.

Khủng hoảng là một phần tất yếu của cuộc sồng. Cuộc đời con người cũng trải qua những giai đoạn khủng hoảng: tuổi dậy thì, tuổi trung niên, tuổi về hưu... Còn về quốc gia thì có khủng hoảng kinh tế, chính trị và cả văn hóa...

Nhưng khi dịch bệnh khiến mọi thứ đảo lộn thì xuất hiện “cụm” khủng hoảng không chỉ về y tế, còn kéo theo cả kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng xã hội toàn diện…

Một trong những trợ lý của Tổng thống Obama có lần nói “Never let a crisis go to waste” vì cho rằng khủng hoảng có thể mở ra cơ hội khi nhìn dưới những lăng kính khác, đó là dịp kiểm tra năng lực thực sự của mình. Có người cho rằng có những điều tốt đẹp phát sinh từ trong cơn khủng hoảng.

Ngay cả Kinh Thánh cũng dạy rằng chúng ta cần cảm tạ những bất trắc vì cơn khủng hoảng sẽ làm nên tính cách. Có người lý luận xa hơn khi nói rằng cơn khủng hoảng giúp ta nhận ra phẩm chất thực sự của con người. Winston Churchill có lần nói, “Bạn có thể nhận ra tính cách một người do những chọn lựa của anh ta khi bị áp lực”.

Đối với người lãnh đạo, quan sát cách từng nhân viên phản ứng trong cơn khủng hoảng là rất quan trọng. Ai có thể giữ điềm tĩnh và ai không trong khi làm việc dưới áp lực? Ai là người vững vàng nhất đương đầu hiệu quả trong cơn dầu sôi lửa bỏng, giải quyết khủng hoảng? Phải chăng người ta khác nhau trong việc giải quyết khéo léo từng hoàn cảnh áp lực khác nhau? Bạn phải biết rõ ai là ai trong tổ chức của bạn cũng như ưu và nhược điểm của chính bạn trong giải quyết khó khăn…

Đối đầu trực diện với những bất trắc sẽ giúp bạn phát triển năng lực giải quyết nó theo thời gian. Bạn càng giải quyết nhiều, bạn càng trở nên hoàn thiện. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bạn cứ tùy tiện cho phép hay khuyến khích rắc rối nảy sinh.


Mỗi khi phải đương đầu và giải quyết một vấn đề, bạn hãy xem đó như là một dịp tu dưỡng tính cách cho mình và cho tổ chức của mình. Một phần của việc giải quyết tốt các rắc rối là tốc độ giải quyết nó. Tổ chức nào mà học hỏi được từ những sai lầm và kinh nghiệm giải quyết rắc rối sẽ có khả năng đẩy nhanh các hành động sửa sai của mình.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng một rắc rối mà không giải quyết kịp thời để lâu sẽ phát sinh thành khủng hoảng. Một vấn đề âm ỉ mà không được quan tâm đúng mức tựa như một ngôi nhà đang cháy. Nếu như nhà lãnh đạo và các thành viên khác vì bất kỳ lý do gì không lưu ý đến những vấn đề tiềm ẩn, sau cùng họ sẽ phải tốn sức dập tắt ngọn lửa.

Người ta nhận ra rằng phải mất một thời gian khá dài để có thể nhìn thấy mặt tích cực của một vấn đề còn tồn đọng. Tuy vậy, một điều hay mà ta có thể học được về cuộc khủng hoảng là những rắc rối trước đây rồi sau cùng cũng sẽ được giải quyết.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có khi những điều chỉnh nhỏ cũng đủ đem lại một giải pháp lâu dài. Nếu như cuộc khủng hoảng có tính chất khá trầm trọng, một bản danh sách các vấn đề phải được giải quyết. Cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải có những cái mới chưa từng hiện hữu hay ít nhất thì cũng phải vận dụng chính sách hiện tại với một liều lượng rất khác.

Theo Danny Cox trong “Leadership when the heat is on”, để xử lý khủng hoảng, chúng ta cần theo ba cách sau:

- Giải quyết vấn đề dù lớn hay nhỏ càng nhanh càng tốt.

- Duy trì cảnh giác trước khả năng có những rắc rối đang manh nha.

- Tìm kiếm những giải pháp đơn giản và trực tiếp. Sự giản dị là hình thức tối hậu của sự cầu kỳ. Vì nghĩ cho cùng, “Vượt qua xung đột là gặt hái thêm sức mạnh”.

Điều quan trọng là bạn phải vạch ra mục tiêu trong lúc dầu sôi lửa bỏng. Triết gia Alfred E. Neuman nói, “Người ta phần đông chẳng biết họ muốn gì, nhưng họ biết chắc rằng mình chẳng có động cơ”.

Lãnh đạo đội ngũ một cách mù mịt thiếu những mục tiêu rõ ràng làm cho tất cả phương tiện thiết bị hướng dẫn tinh xảo nhất trở nên vô dụng. Với đường lối được hoạch định minh bạch, bạn và tổ chức của mình sẽ biết phải đi theo phương hướng nào. Bạn đang dự tính hướng đến một cái gì đó, cho dù cái gì đó là chưa nhận diện được.
 
Và tất nhiên, người lãnh đạo phải đạt được cảnh giới của sự bình tâm trong khủng hoảng, với cái triết lý vô thường trong tâm, không hoảng loạn, nhận biết rõ thực tại để bình tĩnh lèo lái con thuyền vượt qua.

coitaba.net (ST)

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]