Dũng mãnh đối trị tập khí của chúng ta

18/10/2021 06:38 PM

Tất cả những thói quen xấu tạo nghiệp đó từ vô thỉ vô chung nhiều đời nhiều kiếp hình thành nghiệp lực ác, tập khí là nghiệp lực ác.

Tập khí là thói quen xấu của chúng ta. Thói quen xấu từ cách suy nghĩ, suy nghĩ xấu và dòng suy nghĩ xấu đó liên tục, liên tục tạo thành một thói quen. Như đường xưa lối cũ, như ngựa quen đường cũ, khởi lên tư tưởng là nó chạy vào cách suy nghĩ đó ngay. 
 
Hoặc là một thói quen sử dụng ngôn ngữ thô ác, đâm thọc, thị phi, tạo nghiệp nhiều đời nhiều kiếp rồi nó tạo thành tập khí, có nghĩa là một thói quen khi mở miệng ra ứng xử với nhau bằng thể loại ngôn ngữ như thế. Bởi vậy chúng ta mới thấy tại vùng miền này, vùng miền kia, khi sống chung với nhau, người ta dùng ngôn ngữ như vậy, và rồi tới làng đó, gặp những con người ở đó cách ăn nói nó như vậy. 
 
Trong gia đình cũng vậy, cha mẹ ăn nói như thế nào, thói quen sử dụng, ứng xử ngôn ngữ sẽ tạo thành một thói quen cho con cái. Nếu những thói quen sử dụng ngôn ngữ theo sự tử tế, tốt đẹp, ái ngữ của nhà Phật thì đó gọi là Chánh Niệm trong Chánh Định. Ta có được Chánh Định rồi và giữ được Chánh Niệm. 
 
Còn nếu theo chiều hướng thị phi, đâm thọc, chửi bới, tạo nghiệp thì gọi là tập khí. Hành động cũng tương tự như vậy. Bởi vậy người xưa mới nói đời cha ăn mặn đời con khát nước. Có nghĩa là những đời trước của chúng ta, hoặc những đấng bậc bề trên hoặc những người lớn tuổi trong thân tộc, gia đình hoặc nơi thôn xóm, vùng miền ta sống có những cách sinh hoạt, tập quán, suy nghĩ, hành động và ăn nói như thế ta bị ảnh hưởng thật là nhiều. Đó là thói quen xấu, là tập khí. 
 
Tất cả những thói quen xấu tạo nghiệp đó từ vô thỉ vô chung nhiều đời nhiều kiếp hình thành nghiệp lực ác, tập khí là nghiệp lực ác. Định nghĩa thật đơn giản, tập khí là những nghiệp lực ác ta đã tạo ra, nay tạo thành một nghiệp lực dẫn chúng ta, điều khiển chúng ta, làm chủ chúng ta mà chúng ta không biết được. Và thường chúng ta hay cãi ngược lại với người khác “tôi như vậy đó, anh có chịu, có chấp nhận hay không tùy anh”. Đó là cách nuông chiều mình theo tập khí. 
 
Người bị tập khí dẫn không biết, khó biết lắm. Đôi khi họ nhận ra họ làm cái đó sai, họ nói cái đó sai, họ suy nghĩ như vậy sai. Nhưng rồi họ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần bởi vì cái lực, tập khí là lực của bất thiện nghiệp nhiều đời, nó quá mạnh rồi và chúng ta khó cưỡng lại. Do vậy ở trên đời này khi sinh ra chúng ta, Bảo Thành, các bạn ai ai cũng có nhiều tập khí bất thiện nhiều đời nhiều kiếp. Tức là có nhiều lực của bất thiện nghiệp đã tạo thành một thói quen. Thói quen đến mức quá quen thuộc ta không còn cảm nhận được rằng nó sai nữa, như thói quen gắt gỏng với nhau, ai nói chuyện gì chúng ta gắt lên ngay. 

 
 
Và rồi chúng ta dễ đổ thừa cho nguyên nhân này, nguyên nhân kia. Không, không phải, khắc khẩu chính là bởi vì ta có thói quen gắt gỏng, chống đối, cãi vã. Và chúng ta cứ nói là: “À, nó khắc suy nghĩ” tức là khắc tâm đó mà, tâm với tâm ai nhìn thấy đâu mà khắc. Nhưng mà thực sự khi họ khởi lên suy nghĩ gì họ diễn tả suy nghĩ đó bằng câu nói văn tự ta chống đối lại ngay. Đó là do chúng ta có thói quen chống đối lại ngay từ mầm mống của tư tưởng cho tới hành động. 
 
Người thích quét nhà kiểu này, người thích quét nhà kiểu kia, cũng chỉ là chuyện quét nhà nhưng phương thức khác nhau, cãi nhau, chửi nhau, chống đối. Đó là thói quen mà ta làm theo mình rồi và từ đó thói quen của chúng ta nó tự làm chủ. Thay vì tất cả mọi việc làm đều vận động từ não bộ, suy nghĩ gọi là Chánh Kiến thì có những thói quen tốt, còn Tà Kiến là những thói quen xấu.
 
Hầu hết chữ Tà Kiến tức là những thói quen tạo ra nghiệp và gây ra chướng ngại. Nó tới từ cái tôi của mình nhiều hơn. Chúng ta nấu cơm theo kiểu này, chúng ta bày chén dĩa trên bàn theo kiểu này, chúng ta luôn luôn nâng cái tôi lên quá cao và cho rằng phương thức của chúng ta là đẹp, là tốt. Để rồi ai mà sắp xếp khác chút là ngứa tay, chỉnh lại ngay, ai mà sắp xếp khác một chút xíu là con mắt ngứa chịu không được. Rồi khi nó ngứa tới miệng thì miệng phải nói. 
 
Như vậy do những thói quen để rồi ta cứ xung khắc hoài trong cuộc sống. Để rồi cho những người thầy bói, thầy tướng, thầy số mượn vào hai chữ “xung khắc” rồi tới họ trị, họ chữa. Mà thực ra đó là do cái tôi của mình chấp trược vào cách làm việc và hành xử tạo ra nghiệp của ta, ai có thể thay đổi được đâu. 
 
Phật nói Phật không thể thay đổi được nghiệp của chúng sanh. Tất cả mọi chuyện chúng ta làm ngày hôm nay gọi là tập khí tạo ra sự đối nghịch lẫn nhau và cứ tiếp tục tạo nghiệp là do chính chúng ta, nó xuất khởi từ cái tôi quá lớn. Phải nhận biết được cái gốc đó để chúng ta bắt đầu đi thỉnh một cái búa, đi thỉnh một cái rìu, cái đục đục cho nó tan cái tôi đó ra. 
 
Búa đó là gì? Là búa Chánh Niệm hơi thở. Đục đó là gì? Là đục chúng ta miên mật trong Mu A Mu Sa. Lấy cái đục Mu A Mu Sa với cái búa Chánh Niệm hơi thở chúng ta gõ gõ cho nó tan ra. Và rồi chúng ta huân tập tức là tu tập trở lại, là tập luyện trở lại theo chiều hướng tốt để cho có được Chánh Niệm hơi thở trong Chánh Định. Tập khí là Tà, Tà là chướng ngại, Chánh tức là thuận, đi lên, hướng Thượng.
 
Làm sao ta có thể thay đổi được? Ta chỉ có thể thay đổi được tập khí là thói quen xấu bằng cách nhận diện ra. Nhận diện ra rằng những thói quen đó tạo những nghiệp chướng và gây tác hại đến cái hạnh phúc, an lạc trong đời thường và sẽ khiến cho chúng ta khổ đau và phiền não, gia đình tan nát. Thói quen ăn nói không có đàng hoàng, tử tế, kính trọng cũng tạo thật nhiều khó khăn trong cuộc sống khi đi làm ở xã hội, khi tương tác với bạn bè và người thân. 
 
Ông bà mình nói: dạy con từ thuở còn thơ. Khi cái tuổi còn rất thơ chập chững đi vào con đường Đạo, các Bậc Thầy luôn dìu dắt chúng ta phải tập thành một thói quen theo Chánh Niệm hơi thở để có Chánh Định vượt qua và đối trị lại tập khí nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. 
 
Trên con đường Đạo, Bảo Thành và các bạn chỉ là những trẻ thơ. Thì trong cái thơ ngây đó cần phải thực hành cho miên mật để thành một thói quen mới trong Chánh Niệm hơi thở tạo nên một lực thật là mạnh. Lực đó sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lực nghiệp chướng bất thiện được gọi là tập khí nhiều đời nhiều kiếp kết lại thành một khối lớn, năng lượng lớn. Tà không thể thắng Chánh, dù năng lượng của tập khí có lớn tới đâu thì năng lượng của Chánh Niệm hơi thở cũng có thể chuyển hóa được hết.
 
Một con én không làm nên mùa xuân, một cây làm chẳng nên non. Tự lực tu là điều tốt nhưng thông thường mỗi một cá nhân chúng ta khi tự tu thường bị chi phối quá nhiều bởi cảnh sống trong xã hội, dễ bị lung lay và rồi chúng ta không tinh tấn được. Do đó chúng ta đi như Đức Phật nói là một dòng đại hải, Tăng thân sẽ giúp cho chúng ta tinh tấn trên con đường tu. Thôn xóm đồng tu, một ngôi chùa, một ngôi tịnh xá, một ngôi tịnh thất hoặc một nhóm bạn hòa hợp trong duyên phước đầy đủ với nhau thật là dễ nâng đỡ, hòa hợp, tu thật dễ tinh tấn.

Theo Thất bảo Huyền môn

coitaba.net (ST)
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]