Tất cả mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu ta không kỳ vọng. "Cuộc sống là vô tận nhưng con người lại có quá ít sự kiên nhẫn".
Mỗi lần nhắc đến Trang Tử, tôi lại bất giác nhớ đến triết lý này của ông. Tôi tin rằng nếu hiểu rốt ráo ý nghĩa câu nói ấy thì ta sẽ sống một cuộc đời thật trọn vẹn.
Một học trò từng băn khoăn hỏi một vị hiền triết: "Ta có mặt trong đời làm gì thưa thầy! Con không thể hiểu nổi tại sao chúng ta lại phải sống với tất cả đau khổ đó, phiền não đó? Tại sao chúng ta lại phải nỗ lực trở thành một ai đó để rồi cũng chính vì điều này đã khiến ta hết lần này đến lần khác rơi vào tuyệt vọng?"
Bậc minh triết vuốt chòm râu trắng xóa, mỉm cười đôn hậu trước khuôn mặt đã chai sạn đi nhiều vì trải đời của chàng trai trẻ và ôn tồn giảng giải:
"Về bản chất, tất cả chúng ta giống như kim cương vậy. Nó phải trải qua áp lực và nhiệt độ cực kỳ cao thì mới có thể trở về chính nó. Có áp lực mới có kim cương, cũng giống như có đau khổ mới khiến ta quay về chân tâm mình. Kim cương luôn sẵn có, cũng giống như chân tâm vẫn luôn ở đấy...
"Chúng ta không cố gắng để đạt được nó. Mà chúng ta dám đối diện đau khổ để tháo gỡ những lớp ràng buộc mà ta đang tự tạo ra cho chính mình, để rồi nhìn thấy được sự trong sáng thanh tịnh của tâm. Để trở về bản chất kim cương, nó luôn kiên nhẫn trong những áp lực, nó không từ chối áp lực...
"Vậy thì tại sao con lại từ chối đau khổ? Tại sao con lại chối bỏ thử thách? Khi mà đau khổ và thử thách ấy mới chính là điều khiến con trở về bản chất thật của mình! Thái độ con cần là phải biết ơn đau khổ mới đúng!"
Suốt những năm tháng dài, cuộc đời luôn có mặt để nhắn nhủ với ta bài học về lòng kiên nhẫn, sẵn sàng đối diện với mọi phong ba bão táp tấp vào mình. Mỗi lần, hai bờ vai và đôi mắt của tôi trở nên đau nhức, tôi biết rằng thân thể đang gửi đến một tín hiệu để mình thư giãn nghỉ ngơi thay vì ngồi viết trong một thời gian quá dài.
Cũng thế, nếu giờ đây bạn đang có những nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác, thì đó cũng là tín hiệu, một hồi chuông cảnh tỉnh để bạn biết rằng mình cần phải quay trở về chính mình. Cũng chỉ lúc trở về này, bạn mới nhận ra một bài học sâu sắc về lòng kiên nhẫn với chính mình, đặc biệt là những nỗi đau.
Trong lòng kiên nhẫn, ta cũng có luôn lòng can đảm. Chính hai đức tính này giúp dìu dắt ta bước qua những thăng trầm cuộc sống. Nhưng bạn nghĩ xem điều gì sẽ diễn ra khi con người ta có quá ít sự kiên nhẫn? Chắc chắn, họ sẽ vội vã kết luận. Nếu thất bại, họ cho rằng như vậy là xong đời! Nếu thành công, họ lại quá tự cao tự đại ngủ quên trong chiến thắng.
Nhưng nếu có đủ sự kiên nhẫn, họ sẽ không kết luận đây là thắng hay thua, mà chỉ đơn thuần xem nó là một trải nghiệm để mình chiêm nghiệm và học ra bài học. Trong sự kiên nhẫn, con người ta bình tĩnh. Trong sự kiên nhẫn, con người ta biết lắng nghe chính mình và cả những con người xung quanh. Trong sự kiên nhẫn, con người ta không có nguy cơ đánh mất chính mình.
Bạn thử hình dung xem, nếu khi giận dữ và nổi nóng, nếu thiếu mất lòng kiên nhẫn, ta sẽ có thể vô tình làm tổn hại đến người khác thông qua những hành vi bất thiện. Nếu trong đau khổ, mà không có lòng kiên nhẫn, ta có nguy cơ đưa ra những lựa chọn sai lầm như thế nào. Tất cả điều đó giúp ta thấy rõ sự kiên nhẫn giống như một điều kiện cần thiết để giúp ta tự soi sáng chính mình.
Sau một quãng thời gian dài trải nghiệm, tôi nhận thấy những thiệt thòi đã từng và đang hiện diện ở đây với chính mình hóa ra lại là điều vô cùng tốt đẹp. Trong thiệt thòi, tôi thấy vốn dĩ mình không cần nhiều như người ta vẫn đang cố gắng đạt được ở bên ngoài. Trong thiệt thòi, tôi thấy được giá trị của việc quay về chính mình để tận hưởng sự giàu có vô tận ở bên trong. Chỉ cần kiên nhẫn ở lại lâu thật lâu với chính mình thôi, bạn sẽ khám phá thấy những bí mật ẩn giấu trong kho tàng vô hình ấy. Bạn gọi tên được những trạng thái đang diễn ra. Và cứ kiên nhẫn quan sát sâu hơn thế nữa, bạn sẽ thấy rằng hóa ra tận cùng đau khổ đó, chân tâm vẫn trong sáng và thanh tịnh biết nhường nào.
Hãy kiên nhẫn đi sâu hơn vào chính mình mỗi ngày, kiên nhẫn lắng nghe, kiên nhẫn thấu hiểu, bạn sẽ không còn so sánh, bạn sẽ thấy điều mà Phật dạy rằng tất cả chúng ta vốn dĩ là một, là đúng đắn như thế nào. Lòng kiên nhẫn dìu ta bước qua những bậc thang sâu hơn vào tâm hồn mình. Để từ sợ hãi, rụt rè, ta dần trở nên can đảm và sau cùng chỉ còn lại một sự tự nhiên đầy thảnh thơi.
Theo FB Trang Ps
coitaba.net