Giữ giới và kiếm chế tính dục - Con đường xa lìa thế tục

28/02/2020 05:19 PM

Mặc dù Phật giáo Nguyên thuỷ chủ trương sự cấm đoán khắt khe về tính dục, thế nhưng đời sống xã hội trong các quốc gia Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thuỷ lại không quá khắc nghiệt nếu các tác phong tính dục không mang tính cách hung bạo và ngoại tình gây ra đau khổ cho người khác.

Vai trò của Phật giáo đối với vấn đề tính dục tuỳ thuộc bối cảnh và trình độ hiểu biết về đạo pháp của người Phật tử. Kỷ cương giới luật ghi chép trong kinh sách được xem như trực tiếp xuất phát từ những lời giáo huấn của Đức Phật, do đó, thường được áp dụng chung cho tất cả các tông phái trừ một vài ngoại lệ đối với Phật giáo Nhật Bản. Tại quốc gia này sự gìn giữ giới luật quy định cho người xuất gia không mấy khi được tôn trọng, và ngày nay một số nhà sư có gia đình, họ vừa là người xuất gia vừa là học giả.

Trong Luật tạng, có một phân đoạn mang tên Pratimoksha (Lời nguyện giải thoát mang tính cá nhân) trình bày chi tiết các giới luật quy định chung cho cư sĩ, các Sa-di và các Tỳ-kheo cả nam và nữ. Phật tử tại gia có thể nguyện giữ năm giới luật, trong số này có ba giới luật liên quan đến thân xác: Không tước đoạt sự sống, không tự ý chiếm giữ những gì không phải của mình, không thực hiện những hành động tính dục thiếu hạnh kiểm. Nguyên văn giới luật thứ ba như sau “Tôi nguyện giữ giới không thực thi hành vi sai lầm về lạc thú tính dục”.


Không phải ai trong xã hội cũng bắt buộc phải tuân thủ giới luật trên đây, thế nhưng khi đã nguyện giữ giới thì phải giữ một cách nghiêm chỉnh: Hành động giữ giới mang tính cách cá nhân, một sự tự nguyện. Phật giáo không nêu lên một tác phong tính dục chính xác nào để cấm đoán, nếu có thì đấy là những hành vi sai trái mang lại khổ đau cho người khác.

Tại Á châu, giới luật liên quan đến tính dục được mô tả rõ ràng hơn các nơi khác, chẳng hạn như sự răn cấm ngoại tình, dầu sao đấy cũng chỉ là cách giới hạn bớt tính cách quá rộng rãi của giới luật về tính dục vì giới luật này chỉ răn dạy sự kính trọng chính mình và người khác. Giới luật đó không hề ám chỉ sự đồng tính luyến ái, thật vậy, đồng tính luyến ái được chấp nhận khá dễ dàng tại các quốc gia Đông Nam Á.

Thế nhưng các hành động tính dục bị cấm đoán triệt để nơi chùa chiền, sự cấm đoán đó tuỳ thuộc vào hai giai đoạn tu tập: Giai đoạn Sa-di và giai đoạn Tỳ-kheo đã thụ phong. Người sa-di cả nam lẫn nữ phải tuân thủ mười giới luật, trong số này có giới luật bắt buộc phải giữ gìn sự trong trắng (đoạn dục, tức không được thực thi các hành động dâm dục, tính dục, dâm ô).

Người xuất gia sau khi được thụ phong sẽ chính thức được xem như người đã “từ bỏ đời sống gia đình”, được gọi là Tỳ-kheo hay Tỳkheo-ni, tức là các nam hay nữ tu sĩ, họ phải chọn một lối sống đơn giản và đạm bạc. Đó là con đường quyết tâm xa lìa thế tục; trên con đường đó, người tu hành phải loại bỏ mọi hành vi tiêu cực và chọn cho mình một thể dạng tâm thức đạo hạnh, tập trung nghị lực vào việc tu học và thực thi đạo pháp. Sự đoạn dục hoàn toàn là một trong bốn giới luật căn bản mà họ phải tuân thủ, nếu vi phạm vào đấy sẽ bị khai trừ tức khắc và vĩnh viễn khỏi tập thể Tăng đoàn.

Tuy nhiên, cũng có những giới luật kém triệt để hơn, chẳng hạn trong số này có mười ba giới cấm nghiêm trọng, nếu phạm vào đấy sẽ bị khai trừ khỏi Tăng đoàn nhưng chỉ tạm thời. Trong số mười ba giới này có sự thủ dâm, cố ý phóng tinh dịch, đụng chạm thân xác hay sờ mó phụ nữ, nói những lời lẳng lơ hoặc hàm ý dâm dục, xúi dục người phụ nữ bán dâm hay đứng ra làm mối lái. Tuy nhiên, sự ô nhiễm ban đêm xảy ra lúc đang ngủ không phải là một hành động lỗi lầm.

Một người tu hành nếu có những ý tưởng thèm muốn phải tức khắc thiền định về sự kinh tởm của thân xác. Nếu không kềm chế được sự ham muốn phải xin hoãn lại các lời nguyện và hoàn tục trước khi xảy ra tình trạng không hàn gắn được, xử sự như thế sẽ không có ai chê trách.

Ngược lại, nếu người tu hành không khắc phục được sự cám dỗ sẽ bị khai trừ ngay khỏi Tăng đoàn theo đúng quy định của giới luật. Đối với người nữ tu, giới luật cũng tương tợ như thế chớ không có nhiều khác biệt; tuy nhiên, trong trường hợp một người nữ tu bị hãm hiếp, nghĩa là không có sự ưng thuận của đương sự và không hề phát lộ sự thích thú, thì đấy không phải là một sự vi phạm nghiêm trọng và có thể tha thứ.

Mặc dù Phật giáo Nguyên thuỷ chủ trương sự cấm đoán khắt khe về tính dục, thế nhưng đời sống xã hội trong các quốc gia Đông Nam Á theo Phật giáo Nguyên thuỷ lại không quá khắc nghiệt nếu các tác phong tính dục không mang tính cách hung bạo và ngoại tình gây ra đau khổ cho người khác.

(Theo P
hilippe Cornu)

coitaba.net

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]