Vậy thế nào là khổ?
Theo cách hiểu thông thường của chúng ta thì khổ có hai loại: vật chất và tinh thần. Về vật chất thì già yếu, bệnh tật, đói rách, thiếu thốn mọi nhu cầu của cuộc sống hằng ngày là khổ. Về tinh thần thì tất cả những điều gì trái ý nghịch lòng đều làm ta khổ: phải xa cách người mình yêu, phải gần gũi người mình ghét, cầu mong mơ ước không thành...
Nhưng với trí tuệ của một bậc Toàn Giác, Đức Phật đã có một cái nhìn thật rốt ráo về khổ, Ngài khẳng định: “Tất cả những gì vô thường đều là khổ”.
Quả thật, từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên, học hành rồi đi làm việc, ta thấy cuộc sống như một dòng sông phẳng lặng, dường như êm đềm trôi chảy mãi không thôi. Nhưng ta không hề chú ý đến những biến hoại đang âm thầm diễn ra từng giây phút trong vạn vật cũng như trong chính bản thân mình.
Ngay trong thân thể của chúng ta, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân… mỗi ngày qua là mỗi biến đổi, hao mòn suy yếu; thế mà ta cứ tưởng rằng mình vẫn giữ được mãi nét thanh xuân, nên ta không ngừng mọi nỗ lực để tô bồi cho thân ta ngày càng trẻ trung tươi đẹp! Ta bị cuốn hút vào việc mưu cầu lợi ích cho bản thân, nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu..., và cho rằng đó là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng, là nguồn hạnh phúc duy nhất của đời người.
Ta say sưa trong men dục của thế gian và tưởng rằng những gì ta đạt được sẽ mãi mãi là của ta. Cho đến một ngày kia, ta gặp một biến cố bất thường, một sự thất bại, một sự mất mát lớn lao đập mạnh vào tim khiến ta đớn đau, bàng hoàng, rời rã: như mất tài sản, điạ vị, danh vọng mà ta đã dày công xây đắp; mất tình yêu, mất sắc đẹp, mất người thân yêu nhất của ta... Ta giật mình nhìn lại chuổi ngày qua, nhìn lại mình và tự hỏi “ Đây có phải là hạnh phúc đích thực chăng?”.
Nếu là hạnh phúc đích thực, nó phải trường tồn, vĩnh viễn, không bao giờ mất. Tại sao ta bây giờ không còn là ta của những ngày đã qua? Tại sao niềm vui giờ đã tan biến và chỉ còn lại nỗi chán chường, mệt mỏi, thất vọng, muộn phiền? Ta giật mình hoảng hốt, muốn níu kéo lại những gì đã qua nhưng nào có được! Ta cảm thấy bất lực và đau khổ muôn vàn...
Ở đây, lời dạy của Đức Phật đã soi sáng cho ta chân lý muôn đời: “Tất cả các pháp đều vô thường, và tất cả những gì vô thường đều là khổ”.
Vậy nguồn gốc của khổ đau do đâu mà có?
Khổ đau có mặt cùng với sự hiện hữu của con người. Khổ đau do con người cảm nhận từ khi bắt đầu tiếp xúc với cuộc đời. Nếu không có con người thì không thể đặt ra vấn đề đau khổ. Triết học thế gian đã từng nêu vấn đề: “Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu?”. Nhưng những lời giải đáp mang tính chất siêu hình của triết học thế gian không làm thỏa mãn những người đang khao khát đi tìm chân lý.
Đôi lúc con người lại muốn ngụy biện về sự hiện hữu của mình theo kiểu “triết lý hiện sinh”: “Tôi đâu có muốn sinh ra đời, chính vì do ý muốn và dục vọng của cha mẹ tôi mà tôi phải có mặt trong đời này. Vậy cha mẹ tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những khổ đau của tôi!”???
Ở đây, Đức Phật đã đưa ra một lời giải đáp rốt ráo về nguyên nhân sự hiện hữu của con người trong cuộc đời qua Lý Duyên Khởi. Trong Đại Kinh Đoạn Tận Ái, Đức Phật dạy rằng, ta có mặt trong đời không phải là một sự ngẫu nhiên, mà chính do ái dục, do lòng khao khát muốn được tiếp tục thọ hưởng các dục lạc ở thế gian mà thức của ta đã gá vào bào thai của người mẹ vào đúng thời điểm hội đủ các điều kiện thuận lợi của bốn món ăn (tứ thực): đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực; để rồi từ đó một con người được sinh ra trong cõi đời này.
Chính bốn món ăn này do ái dục làm nhân duyên, và ái dục này phát xuất từ vô minh, để cho ra đời toàn bộ khổ uẩn của con người, đó là: sinh, lão, bệnh, tử.
Nhưng nếu chúng ta ý thức được cái khổ, nhận ra nó có mặt, nhận chân được nguồn gốc của nó, thì theo lời Đức Phật, chúng ta sẽ biết cách diệt nó, để có hạnh phúc viên mãn.
coitaba.net (ST)