Người ta thường nói, thêm một người bạn là thêm một cơ hội, nhiều một kẻ thù là nhiều một vật cản. Cho nên, chúng ta luôn muốn kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ càng nhiều càng tốt. Với ai cũng muốn cũng làm quen, gặp ai cũng muốn thân thiết lấy lòng.
Thế nhưng, bạn bè đông đúc đôi khi cũng không bằng một người tri kỷ. Cuộc sống của mỗi người đều rất ngắn, sức lực cũng có hạn, đừng mời quá nhiều người bước vào đời mình mà không đem tới giá trị thiết thực nào cả. Quan hệ trải rộng khắp nơi nhưng đại đa phần đều là kiểu xã giao hời hợt.
Sự tồn tại của họ trong đời mình, cũng như của mình trong đời họ, đều “có cũng được, không có cũng chẳng sao”. Tất cả chỉ dừng lại ở mức quen biết, có thể cùng chung vui nhưng khó có lòng sẻ chia hoạn nạn.
Và đôi khi hay tách ra khởi cuộc sống bộn bề, sống cô đơn một chút để tĩnh tâm, trải nghiệm, nhận thức lại cuộc sống này.
1. Đừng đưa quá nhiều người vào sinh mệnh của mình.
Thực ra, đời người nói dài cũng không quá dài, còn nói ngắn thì cũng không quá ngắn. Chỉ là, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tiếp theo. Cho nên, đừng lãng phí quỹ thời gian hữu hạn của chúng ta vào những việc vô nghĩa, dành cho những con người không quan trọng.
Nếu ngay từ đầu không cho họ cơ hội đi vào sinh mệnh và nội tâm của mình thì họ sẽ không thể làm xáo trộn cuộc sống của bạn quá nhiều. Người ta có câu: “Mây tầng nào sẽ gặp mây tầng đó”.
Con người kết giao lẫn nhau đều bắt đầu dựa vào giá trị, có thể là giá trị ngoại hình, có thể là giá trị tài năng, hoặc xét về mặt tính cách, sống thiện lương, nhân phẩm tốt đẹp… Và cho dù ấn tượng lần gặp gỡ đầu tiên tốt đẹp đến mấy mà nội tâm không tương hòa, không có giá trị tinh thần tương xứng để trao cho nhau thì mối quan hệ rất khó có thể bền lâu.
Phải hiểu rằng, cô đơn không có nghĩa là không có bạn bè bên cạnh, chỉ là trong lòng mình không có bạn đồng hành. Chuyện nên đến thì không ngăn được, người nên đi cũng không giữ được. Cảm tình không sâu, đừng cưỡng cầu; lòng người không thật, chẳng cần cố giữ. Chúng ta chỉ cần thuận theo tự nhiên, sống thoải mái là được.
Đến cuối cùng, bạn sẽ luôn có thể nhận ra vài người thực sự quan trọng với sinh mệnh của mình. Từ đó, hãy đối xử trân trọng và chân thành.
2. Đừng lãng phí thời gian và cảm xúc của bạn với những người không ưa mình.
Có danh nhân từng nói: "Tôi không biết chìa khóa đến thành công là gì, nhưng chìa khóa của sự thất bại chính là việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người."
Núi cao sông dài luôn có chỗ dung thân. Ta đi qua bao nhiêu người lạ, rồi sẽ gặp người nở nụ cười chân thành. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là: ban ngày có thể vui vẻ nói cười, ban đêm có thể an bình ngon giấc. Cuộc sống không cần quá cố chấp để lấy lòng những kẻ vốn đã không ưa.
Thật ra, mỗi người đều sinh ra với những căn cơ riêng có với cá tính khác nhau, vận mệnh khác nhau, trưởng thành trong môi trường khác nhau, sinh ra những lối tư duy khác nhau. Mỗi cá nhân đều có lòng tự tôn và nguyên tắc sống của riêng mình.
Do đó, có người yêu thích mình ắt có người không ưa mình. Nếu chỉ chạy theo để làm đẹp lòng người khác, không phải bạn đang tự ép mình làm những việc cưỡng cầu, tự từ bỏ tự tôn và nguyên tắc của bản thân?
Cổ nhân có nói: “Vạn sự bất cầu nhân”. Câu này có nghĩa là, tất cả mọi chuyện trên đời đừng nên trông chờ, mong cầu ở người khác. Khi bạn cố lấy lòng người khác, chẳng phải bạn đang mong cầu một lòng tình cảm hay sao? Cách làm này vừa không đem lại kết quả tốt đẹp, vừa lãng phí cuộc sống thoải mái và vui vẻ của bản thân.
3. Nếu không thể hòa hợp với nhau nữa, đơn giản thôi, đừng ép buộc mình phải làm bạn.
Đối mặt với những người căm ghét, mỉa mai và nói xấu bản thân, bạn chỉ cần nhớ rằng: Bạn là con người bằng xương bằng thịt, sống cuộc sống của chính mình chứ không sống trong miệng của người khác. Khi nói lời cay độc, trong lòng chứa đầy sân hận, chính họ mới là người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng tiêu cực.
Thù oán hoặc ganh tỵ sẽ che mờ lý trí, khiến họ đưa ra những quyết định, hành động và lời nói không đủ khôn ngoan. Ngược lại, bạn chi cần giữ phong thái cao, lấy bất biến ứng vạn biến, mọi sự tình bên ngoài đều không thể làm bạn khó xử. Lòng mang thiện ý, nỗ lực hòa giải. Hòa giải không được, hợp thời tránh xa.
4. Hãy sống cuộc đời mà mình mong muốn.
Cuộc sống có thể đau khổ nhưng chúng ta phải biết cách theo đuổi hạnh phúc. Ray Bradbury, nhà văn nổi tiếng của thể loại khoa học viễn tưởng, kinh dị và bí ẩn người Mỹ, từng nói: “Love what you do and do what you love. Don't listen to anyone else who tells you not to do it. You do what you want, what you love.” Tạm dịch: Yêu những gì bạn làm và làm những gì bạn yêu. Đừng nghe những người ngăn cản bạn thực hiện. Hãy cứ làm những gì bản thân thực sự muốn và thực sự yêu.
Hạnh phúc nếu như là một chiếc giày không vừa cỡ, nó sẽ trở thành xiềng xích khóa chặt đôi chân. Nếu như vậy, chẳng bằng chân trần mà chạy.
Làm điều mình muốn, giống như tự mình pha một chén trà. Cho dù đắng hay chát thì đó cũng là hương vị dành cho chính mình.
Cho dù bận rộn cũng là một loại ung dung tự tại. Hưởng thụ phiền não, hưởng thụ hương vị mình mong muốn.
Đủ trưởng thành rồi, chúng ta phải hiểu ra rằng, trong đám đông người xa lạ trên thế giới này, người thực sự có thể cùng mình sống thoải mái, đồng hành đến cuối con đường không được bao nhiêu.
Cho nên, gặp người quan trọng thì hãy đối xử chân thành, gặp người không hợp thì tránh xa nhau bằng một nụ cười khách sáo.
Lấy lòng người khác không bằng lấy lòng chính mình. Đừng ép buộc bản thân vào những mối quan hệ không vừa ý, làm những hành động không như nguyện.
Hãy dành thời gian và công sức hữu hạn của sinh mệnh vào những mối quan tâm thực sự. Dù kết quả như thế nào, đó cũng là kết quả mà bạn hằng theo đuổi.
Theo Trithuctre