Đọc xong câu chuyện này, tôi thấy mình đã sai, rất sai khi không kiềm chế được cơn bực tức của chính mình mà trút hết lên đầu con trẻ.
Bồ Tát Thường Bất Khinh là người chỉ lo làm một việc đó. Trong đời sống hàng ngày, đôi khi vì bực tức, chúng ta có thể thốt ra những câu nói nó có tính cách thường khinh, nhất là đối với con cái của mình. Làm cha làm mẹ ta hay phạm vào lỗi đó. Một lỗi rất nặng, tại vì những tế bào não bộ của con cái còn non nớt, còn trong sáng mà mình gieo vào những tư tưởng ấy tức là mình làm hại con mình, mình giết đi cái khả năng có hạnh phúc của con mình. Vì vậy làm cha, làm mẹ, làm thầy, ta phải rất cẩn thận. Nếu học trò có mặc cảm, ta phải tìm cách tháo gỡ giùm họ, để họ có thể sống thanh thản và an lạc hơn.
Sư Ông Nhất Hạnh vẫn thường thực tập hạnh đó. Và tiện đây Sư Ông chia sẻ với quí vị một kinh nghiệm như sau:
Một hôm có hai anh em nhỏ đến chơi, tôi đưa hai cháu vào xem cái máy mới mua. Đứa em loay hoay sử dụng làm cho máy bị cháy. Có lẽ vì Sư Ông đang bấm một cái nút mà cháu lại cùng một lượt bấm thêm một cái nút khác.
Đứa anh hơi giận, bảo: Sư Ông cho xem máy thôi, tại sao em lại làm vậy! rờ tới cái gì là hư cái đó! Có lẽ đứa anh đã bị ảnh hưởng của cha mẹ hay của bạn bè, đã từng nghe những câu trách cứ đó trong cuộc sống hàng ngày, nên đã chỉ lặp lại mà không biết cái tầm quan trọng của câu nói đó.
Để giúp đứa em, sư ông bèn dẫn cả hai anh em sang xem một cái máy khác, và chỉ cho đứa em sử dụng cái máy mới. Đứa anh vội vàng cản: Sư Ông đừng cho nó đụng tới, nó sẽ làm cháy nữa bây giờ!
Thấy rằng đây là lúc để có thể giúp cả hai anh em, sư ông bảo: "Không sao, Sư Ông tin nó lắm, nó giỏi chứ không dở đâu. Này, con làm đi, bấm nút này trước, thả ra rồi bấm nút này sau, con làm cho cẩn thận".
Đứa em thành công và cả hai anh em đều vui mừng. Sư Ông cũng tùy hỉ theo. Làm như vậy tức là ta đã thực tập hạnh Thường Bất Khinh, xóa tan cái mặc cảm là mình không làm được, chỉ có anh mình mới làm được thôi. Ta chỉ tốn có ba bốn phút mà gỡ được cái mặc cảm của đứa em.
Thật ra lúc đó mình cũng hơi ngán, sợ nó sẽ làm hư cái máy thứ hai. Nhưng nếu e ngại nó làm hư cái máy, mình sẽ làm hư con người của nó. Cái tâm của em bé quan trọng hơn cái máy rất nhiều. Chỉ cần có niềm tin vào hạnh Thường Bất Khinh và ba bốn phút là mình có thể giúp em bé gỡ được cái mặc cảm của em bé.
Con cũng xin nguyện học theo Bồ Tát và Sư Ông. Đứa học trò nào mà nói "con học ngu lắm con không biết vẽ đâu", thì con sẽ bắt chước Bồ Tát và Sư Ông, con sẽ cố xóa tan đi cái mặc cảm của các bé để các bé có niềm tin vào chính bản thân mình.
Theo: Vương Kiến Nguyên