Lịch sử, văn hóa, địa lý giúp phát triển đa dạng Giáo Pháp

04/03/2020 03:35 PM

Cho đến ngày nay, ngót 2.600 năm, Phật Pháp đã lan tỏa khắp các châu lục và thâm nhập vào các nền văn hóa. Phật giáo phát triển không phân biệt tầng lớp, giới tính, xã hội. Mỗi giai doạn đều có những yếu tố riêng làm đa dạng hóa Đạo Pháp, khiên cây Giáo lý Phật Pháp trở nên cành lá xum xuê, mát lành.

Hiện nay tất cả các tông phái Phật-học, dù là Đại thừa, dù là Tiểu-thừa, dù là Bắc-Tông hay dù là Nam-Tông, đều không phải là Phật-giáo nguyên-thỉ. Tất cả đều trải qua nhiều biến-hóa. Những biến-hóa này đã không làm mất những tính chất căn-bản của đạo Phật, mà còn khai thác đến cùng tận những tính-chất ấy, để thực-hiện một sự phát-triển cần thiết cho các thời-đại và các địa-phương.

Nếu đạo Phật chỉ là một mớ giáo điều cố-định thì đạo Phật đã không có địa-vị như ngày nay trong văn-hóa nhân-loại. Đạo Phật là một giáo-lý có nhựa sống mãnh-liệt, phong phú cho đến nỗi trải qua mấy ngàn năm, vẫn còn sức để tiếp-tục phát-triển theo đà nhu cầu của các quốc-gia và các thời-đại.

Điểm đặc sắc của đạo Phật là không phải một giáo-điều cố-định cứng cỏi, nằm chết cứng trong khuôn khổ. Phật-pháp là "bất định pháp" phải tùy thời gian không gian để uyển-chuyển thích nghi với căn cơ của chúng sanh. Có thể nói rằng đạo Phật nguyên-thỉ là một "cây giáo lý", bụ bẫm, mạnh khỏe, và sung sức. "Cây giáo-lý" ấy đã theo thời gian mà trưởng thành, để rồi bây giờ trở nên một cái cây to lớn, cành lá rườm-rà xanh tốt.

Đừng ai bắt "cây giáo lý" ấy đứng yên ở trạng thái ban sơ của nó, không cho nó sinh trưởng. Bởi vì nếu không sinh-trưởng thêm thì nó đã tàn hoại và ngày nay đã không có nó. Đàng này nó sinh-trưởng mãnh-liệt, vì nó có một sức sống mãnh-liệt. Bây giờ đây nó to lớn sum-xê nhưng nó vẫn là cây giáo-lý.

Bao nhiêu hệ-thống giáo-lý bao nhiêu tông-phái lưu truyền trên thế-giới hiện nay đều là phát xuất từ Phật-giáo nguyên-thỉ, nói một cách khác hơn, đều là những phát-triển của Phật-giáo nguyên-thỉ. Những hệ-thống giáo-lý này đã có đủ ở Phật giáo nguyên-thỉ, nhưng chỉ được khai thác và truyền dương theo nhu cầu của thời đại mà thôi.





Nguyên-thỉ hay cận-đại Phật-giáo vẫn là Phật-giáo, nghĩa là vẫn có mục-đích giải-thoát diệt khổ, vẫn tôn trọng sự sống và chân-lý, vẫn chủ trương từ-bi tế-độ. "Cũng như nước bốn biển chỉ có một vị: vị mặn, giáo-lý của ta cũng chỉ có một vị: vị giải thoát".

Tự giam mình trong khuôn khổ của giáo-lý Nam-Tông rồi bảo Phật-giáo Bắc-Tông không phải nguyên-thỉ, hay đứng về mặt giáo-lý Đại-thừa mà cho rằng Tiểu-thừa là hẹp hòi cố chấp, hai thái-độ đều thiên-lệch, không xứng đáng. Phải nhìn giáo-lý qua sự nhu cầu của nhân-loại, ta mới thấy được khả-năng bất-diệt của đạo Phật và luôn đó, cả tinh thần tích cực nhập thế của Phật-giáo.

Nền văn-học Phật-giáo minh-chứng một cách hùng-hồn cho sự-thực ấy. Dù cho Phật-giáo phương-nam có tự hào giữ được nhiều tính chất nguyên-thỉ, ta cũng thấy đã có sự biến đổi trên nếp sống tư-tưởng và tổ-chức. Chính thời đại mới, sinh hoạt mới đã tạo nên sự biến đổi đó.

Ở Bắc-phương, nhiều phong thổ khác nhau, nhiều nếp sống khác nhau, cho nên đạo Phật đi đến đâu cũng đều thích-nghi để hòa mình vào sự sống của các dân tộc. Tinh thần tích-cực nhập thế của đạo Phật đã là một trong những nguyên-nhân làm cho đạo Phật phát-triển mãnh-liệt.

Ở thời đức Phật, con người đã quá đau khổ và vì vậy rất mong-mỏi giải thoát cho cá nhân mình. Giáo-lý Phật-giáo cố nhiên phải cung-phụng cho nhu cầu giải-thoát ấy. Người ta chỉ lo tuyên-dương giáo-lý giải thoát cá-nhân, sùng thượng giáo-lý ấy, và hầu như không còn để ý đến giáo-lý nhập-thế tích-cực nữa.

Các kinh điển đại-thừa hầu như bị bỏ quên, không được ai nhắc đến. Dần dần về sau, theo nhu cầu của thời-thế, người ta mới để ý đến kinh điển đại thừa, mới tuyên-dương giáo-lý đại-thừa. Cho nên những kinh-điển đại-thừa xuất-hiện chậm hơn các kinh-điển tiểu-thừa. Giáo-lý đại-thừa mà đức Phật truyền dạy riêng tây cho những bậc bồ-tát, những hàng đại căn có tinh thần nhập thế, giáo-lý ấy mãi về sau mới được chú ý đến.

Vậy trong lúc nghiên-cứu văn-học Phật-giáo, chúng ta hãy gạt ra ngoài những cố-chấp để có thể thấy rõ được tinh-thần và khả-năng của toàn-bộ giáo-lý đạo Phật.

Tác giả: Phương Bối
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]