Kinh nghiệm giác ngộ lý duyên khởi bao gồm Mười hai nhân duyên của Đức Phật được ghi lại trong Luật tạng, phần Đại phẩm như sau:
Thời nọ, Phật Thế Tôn an trú tại Ưu-lâu-tần loa, bên bờ sông Ni-liên-thiền dưới gốc một cây bồ-đề, lần đầu tiên đạt chính đẳng giác. Phật Thế Tôn ngồi chân tréo kết già bảy ngày dưới gốc cây bồ-đề, thưởng thức sự an lạc của giải thoát.
Vào canh thứ nhất, Phật quán chiếu trong thâm tâm nguyên lý duyên khởi hướng xuôi chiều và ngược chiều: Từ vô minh mà các hành phát sinh, từ các hành mà thức phát sinh, từ thức danh sắc, từ danh sắc là sáu giác quan (cùng với sáu đối tượng của chúng), từ sáu giác quan sinh ra xúc, từ xúc sinh ra thụ, từ thụ tham ái, từ tham ái ra thủ, từ thủ ra hữu, từ hữu ra sinh, từ sinh ra lão tử, ưu sầu, hoạn nạn, bất hạnh, tuyệt vọng. Sự hình thành của nguyên khối khổ này là như thế.
Qua sự chấm dứt và tiêu diệt của vô minh mà các hành chấm dứt, qua sự chấm dứt của hành mà thức chấm dứt, qua sự chấm dứt của thức mà danh sắc chấm dứt, qua sự chấm dứt của danh sắc mà sáu giác quan chấm dứt, qua sự chấm dứt của sáu giác quan mà sự chạm xúc chấm dứt, qua sự chấm dứt của sự chạm xúc mà thụ chấm dứt, qua sự chấm dứt của thụ mà tham ái chấm dứt, qua sự chấm dứt của tham ái mà thủ chấm dứt, qua sự chấm dứt của thủ mà hữu chấm dứt, qua sự chấm dứt của hữu mà sinh chấm dứt, qua sự chấm dứt của sinh mà lão tử, ưu sầu, hoạn nạn, bất hạnh, tuyệt vọng chấm dứt. Sự chấm dứt của nguyên khối khổ này là như vậy.
Lúc ấy, sau khi nhận thức rõ điều này, Thế Tôn thốt lên một cách cảm kích: "Thật như thế, khi các pháp hiện rõ cho một người tinh tiến, một hiền nhân đang quán chiếu thì tất cả những nghi hoặc của ông ta tan biến, bởi vì ông ta đã nhận thức được Pháp với nguyên nhân của nó".
coitaba.net