Ngay cả tâm tính của chính mình, có lúc ta còn lãng quên và không thể nhìn cho thật rõ, vậy thì sao ta có thể vội phán xét một người thông qua hành động của họ. Đôi khi, một hành động cứ ngỡ bất thiện nhưng lại xuất phát từ một tâm hoàn toàn thiện lương. Thế nên, ta mới có câu rằng tâm ai chỉ người đó mới có thể biết rõ.
Có một lão nông nghèo đi ăn giỗ ở một gia đình nọ. Khi đám giỗ vừa mới bắt đầu, ông đã gói ghém nào là xôi, gà và canh xương vào một tô nhỏ. Hành động gấp gáp của ông khiến người xung quanh ngay lập tức chê cười, cho đến khi ông đứng dậy và đi ra ngoài kia trao thức ăn cho một bà lão ăn xin tội nghiệp, tất cả những kẻ chê cười lúc nãy bây giờ người nào người nấy lặng lẽ cúi đầu.
Thầy trò Khổng Tử du hành sau chặng đường dài mệt và đói, dừng nghỉ xin gạo thổi cơm. Khi đọc sách chờ cơm, nhìn xuống bếp, thấy học trò bốc cơm ăn lấy làm buồn bã, định bụng sẽ tìm cách xử trò. Sau học trò mang cơm lên cho thầy, quỳ xuống và nói: "cơm này thầy và huynh đệ ăn tạm, con không ăn nữa vì khi ghế cơm đã chót làm rơi ra ngoài. Con tiếc quá nên đã bốc lên, phủi bụi và ăn rồi. Xin tạ tội với thầy thì đã vụng lại ăn trước cả thầy". Khổng Tử như trút gánh nặng và thầm nghĩ, "chút nữa thì ta cũng mắc tội hồ đồ".
Luôn giữ tâm thảnh thơi như chiếc lá bồ đề này
Về bản chất, tâm mỗi con người đều như nhau, là hoàn toàn trong sáng và thanh tịnh, là hoàn toàn trí tuệ và từ bi. Nhưng chân tâm kia đã bị bản ngã ảo tưởng che lên một lớp mây mờ có khi hoàn toàn sâu dày, đến nỗi ta không còn thấy được chính mình. Ta hoàn toàn sống trong những hoang tưởng của cái tôi không thực có. Những kết luận và đánh giá người này người kia cũng khởi lên từ cái tôi sâu dày này. Đó là lý do vì sao sau giác ngộ, Phật dạy rằng hãy quan sát mọi thứ như nó đang là, đừng phán xét, đừng phân tích đúng sai.
Bạn có nhận ra rằng việc vội vàng kết luận một ai đó được sinh ra từ chính ảo tưởng của mình. Giống như những người trong đám giỗ đã phán xét lão nông nghèo, lúc đó, trong tâm họ khởi sinh một ảo tưởng rằng ông lão ấy thật tham lam. Nhưng khi thấy việc làm của ông xuất phát từ lòng trắc ẩn, người ta mới thoát khỏi ảo tưởng ban đầu.
Khi ta khởi sinh một phán xét người khác, ta đang từ chối thấu hiểu họ, và cũng đang từ chối thấu hiểu chính mình. Vì sao vậy? Bởi khi ta thấu hiểu chính mình, ta biết rằng nội tâm của một con người vốn dĩ trong sáng nhưng chỉ vì tham, sân, si sâu dày mà anh ta không sống đúng với bản chất thật của mình.
Lúc này, ta dễ dàng bĩnh tĩnh quan sát, lắng nghe để thấu suốt và chia sẻ một cách chân thành. Hơn thế nữa, trong sự phán xét, con người ta đánh mất chính mình bởi tâm sân của họ. Họ đang tự tạo ra một nguồn năng lượng độc trong chính mình mà không hề hay biết.
Nhưng khi một người thực sự sai rồi thì sao? Ta sẽ chọn mắng nhiếc và sỉ nhục họ để rồi lấy đó làm hả hê sung sướng hay tự chuốc lấy nặng nề và mệt mỏi? Ngay cả khi ta thấy cái sai của họ và sự thật rằng họ đã sai, thì việc của ta là làm sao vẫn giữ được một thái độ đúng đắn. Bởi chỉ bằng một thái độ đúng đắn, ta mới không tự làm mình sai. Và cũng chỉ bằng thái độ đúng đắn này, ta mới giúp ích cho những người đã có những tạo tác lầm lỡ.
Chúa Jesus dạy: "Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em." Còn Đức Phật từng giảng giải cho đệ tử rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng, đều có sẵn một chân tâm giác ngộ bên trong. Ai ai trên con đường thành Phật cũng đều từng trải qua lỗi lầm, cũng đều tạo tác nghiệp bất thiện.
Khi giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, Phật quán thấy mình cũng từng là tội đồ. Nhưng trong kẻ tội đồ ấy đã có sẵn sự ân xá, trong kẻ bất thiện đã có sẵn một tâm giác ngộ rồi. Vậy thì ta phải tôn trọng tất cả chúng sinh đang trải nghiệm trên thế gian này, và nhìn họ bằng một thái độ đúng đắn thì lúc đó mới có thể dìu dắt nhau và cùng nhau chuyển hóa tốt đẹp lên.
Theo Trang Ps
coitaba.net