Có một hành giả đến than với tôi “con bị bận rộn công kia việc nọ quá nhiều, không tu hành gì được hết”. Nghe qua câu nói của người khách, tôi ôn tồn đóng góp như sau:
Thật ra trong đời sống này nói đến công việc thì không lúc nào dứt, cho nên chúng ta không thể nói nhiều hay ít được. Tùy mình liệu lấy, nhiều ít do mình. Vả lại tu cũng là một công việc. Công việc thường không mắc mớ gì đến công việc tu của chúng ta. Tu, việc cả hai hỗ trợ cho nhau, thì việc gì lại không tu được ? Công việc nào làm bận rộn chúng ta ? Và lúc nào chẳng phải là lúc chúng ta tu ?
Hơn nữa cứ như người xưa, trong tất cả cảnh, với tất cả thời, các Ngài đều áp dụng công phu tu hành đắc lực. Tùy thời các Ngài đều thụ dụng an ổn. Như: giã gạo, ngắm hoa, hái rau, nấu cơm, nấu nước… Các Ngài rất bình thường. Thế ấy tại sao chúng ta lại không bình thường? Không tu được trong những việc bình thường như người xưa. Lý do chúng ta không tu được ở chỗ nào?
Chúng ta phải tìm cho ra manh mối, xem tại làm sao chúng ta không tu được trong công việc bình thường. Phải chăng tại chúng ta chưa chịu buông, thật sự buông. Chúng ta chưa quyết liệt, đem toàn thân mạng của mình hạ thủ công phu tu hành.
Một khi chúng ta chịu buông và buông hết rồi thì, cuốc đất cũng tu, làm bất cứ công tác xã hội nào cũng tu. Đã vậy còn than van nỗi gì? Tuy nhiên, cũng không phải là giản dị đâu. Người xưa tu được trong mọi hoàn cảnh là vì các Ngài nhìn thẳng và uy dũng tiến bước.
Một khi nắm được đầu dây thì, phăng miết đến cùng, bao giờ đụng vỡ màng tang mới chịu thôi. Còn chúng ta thì trái lại, chẳng những không quyết liệt liều mạng mà còn lăng xăng liếc ngó. Tình trạng một nắng mười mưa còn tác động đầy trong sinh hoạt bình thường. Cho nên nói cho cùng là, đối với chúng ta hình ảnh cam phận tầm thường thất bại, bỏ cuộc hiện rõ trước mắt, cũng là một sự kiện dĩ nhiên. Để bổ sung cho những khuyết điểm vừa nêu, chúng ta phải làm sao đây?
Theo thiển ý của tôi, hành giả muốn cho công phu tu hành của mình được đắc lực trong mọi hoàn cảnh thì không gì hơn “Ngay bây giờ đây hãy coi như mình đã chết và, người chết rồi không bao giờ ngóc dậy lý sự gì nữa”.
Kẻ ghi nhớ câu này với ý hướng khuyến gắng các bạn còn ngỡ ngàng trong Tông môn, cũng để tự răn mình, phải phấn đấu kỳ cùng, dù phải tan thân mất mạng.
Sơn cư lực học ngộ Thiền tông,
Nhật dụng tiên tu đạt khổ không,
Bất thức bổn lai chân diện mục,
Niêm hoa vi tiếu táng gia phong.
Nghĩa:
Ở núi dùi mài tỏ Thiền tông,
Vào cửa công phu rõ khổ không,
Chẳng biết xưa nay mày mặt thật,
Niêm hoa vi tiếu mất gia phong.
Vào cửa trình nhau phải đầy đủ mặt mắt thật xưa nay của chính mình. Bước đầu công phu phải gắng gổ để thấu rõ giả chân, kế lại quyết liệt dọn mình, một nhảy vào thẳng thế giới uyên nguyên. Nói thế e rằng trái phạm chăng? Thôi hãy buông, một chữ buông là vừa phải.
Người học Đạo quan thiết chỉ cốt tìm tâm. Phải sống thật với tâm. Tâm là bảo sở, ngoài tâm không gì khác có thể thay tâm được. Do đó dù trải qua bao nhiêu gian lao nguy khốn, mục đích của hàng đạo nhân là sống thật với tâm mình, buông bỏ tất cả vọng tưởng lăng xăng bên ngoài. Việc làm đấy gọi là công phu, gọi là trở về. Ngoài việc làm đấy cũng chưa khỏi có chút dính dáng.
Chớ chạy quàng xiên tìm kiếm vụn vặt bên ngoài. Định thần nhìn lại, gì là mặt mắt thật xưa nay của chính mình?
Khéo, khéo. Một nụ cười vô biên nở rộ… Thử nhìn lại xem!
HÃY HỌC TU TRONG MỌI VIỆC
Hòa Thượng Thường Chiếu