Thế nào là hành động thiện?

17/09/2021 04:28 PM

Đức Phật đã định nghĩa rất rõ: “Hành động nào đem đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai là hành động thiện. Hành động nào đem đến hại mình, hại người, hại cả hai là hành động bất thiện”.

Bởi thế, trước khi làm việc gì, ta phải suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, xem hành động sắp làm là thiện hay bất thiện. Ngay cả những hành động nào chỉ lợi cho mình mà không lợi cho người ta cũng nên tránh. 
 
Trong tâm ta, ta phải luôn luôn giữ vững chánh niệm, tỉnh giác để kiểm soát dòng tư duy của mình. Khi có một ý niệm bất thiện chợt thoáng qua, ta cố gắng quên ngay, đừng bao giờ cho phép nó khởi lên; và nếu nó đã khởi lên rồi thì ta cố gắng tìm cách đoạn trừ. 
 
Khi một ý niệm thiện chưa khởi, ta hãy tìm cách tạo điều kiện cho nó sinh khởi, và khi một ý niệm thiện đã khởi lên, ta cố gắng nuôi dưỡng cho nó càng ngày càng tăng trưởng tốt đẹp hơn. Ta cố gắng tu tập trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động nhỏ hằng ngày. Cố gắng giữ gìn thế nào để tâm chỉ nghĩ đến điều thiện, miệng chỉ nói những lời thiện, thân chỉ làm những việc thiện. Đó chính là quá trình rèn luyện để có được Chánh Tri Kiến, từ đó đưa đến Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng…

 
 
Đây quả thực là một con đường tu tập rất khó khăn đối với những phàm phu như chúng ta. Bởi vì ý nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức, đã chi phối, hình thành nếp suy nghĩ, thói quen và hành động thường ngày của ta, chúng là những tập khí sâu dày mà ta đã tích tụ từ vô lượng kiếp. Hơn nữa, bản chất của ta vốn do ái dục sinh, và ta đang trầm mình trong dục giới với đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến; do đó, ta rất dễ bị dục vọng lôi cuốn và trở nên yếu đuối, quên mất lời Phật dạy, chiều theo dục vọng và buông thả với chính mình. Chỉ cần mất tỉnh giác, buông lơi, phóng dật, dễ dãi với chính mình là ta đã rơi ngay vào vòng tay của Ác Ma dục vọng và chịu sự điều khiển của nó.
 
Vì vậy, muốn tu tập có kết quả, ta phải nghiêm khắc với chính mình và tinh tấn hành trì với niềm tin bất thối chuyển vào những lời Phật dạy, đây chính là thực hành Chánh Tinh Tấn. Giữ gìn năm giới là một hình thức kỷ luật tự giác của bản thân, ta phải xem giữ giới là điều tâm niệm hằng ngày. Tiếp đến, ta phải hành thiền đều đặn để thanh tịnh tam nghiệp, giữ vững chánh niệm, và phát triển tuệ giác. Hành thiền chính là một quá trình thanh lọc tâm hữu hiệu nhất, như Đức Phật đã dạy: “Thiền là thay thế năm triền cái bằng năm thiền chi”.  
 
Trong quá trình thanh lọc tâm, bước đầu ta từ bỏ các pháp bất thiện về thân, khẩu, ý, và cố gắng thành tựu các thiện pháp về thân, khẩu, ý. Tiếp đến ta từng bước thực tập pháp Quán Niệm Hơi Thở Vào - Hơi Thở Ra, tập trung sự chú tâm vào đối tượng là hơi thở để thiết lập chánh niệm vững chắc, dần dần loại bỏ năm triền cái là Tham, Sân, Hôn Trầm Thụy Miên, Trạo Hối, Nghi và thay thế bằng năm thiền chi là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm.
 
Đây là một quá trình tu tập lâu dài và khó khăn đối với chúng ta, vì ta biết rằng năm triền cái là kẻ thù bên trong chúng ta. Tiêu diệt kẻ thù bên trong bản thân mình quả thật vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi ta phải có nghị lực lớn, quyết tâm cao để có thể tinh tấn hành trì mà không nản lòng, thối chí. Chỉ có hành thiền mới giúp ta tăng cường nội lực, phát triển định lực, đưa đến tuệ giác để thấy rõ sự vật đúng như thật. Nhờ vậy ta mới tạo được sức mạnh tinh thần để đối trị các dục, và vượt qua được những cơn khủng hoảng khiến ta trở nên yếu đuối trước sức cám dỗ của Ác Ma. Hành thiền  là con đường đưa đến Chánh Niệm và Chánh Định.
 
Khi tâm ta đã được định tĩnh, đã tìm được nguồn an lạc do thiền đem lại, ta cảm thấy nhẹ nhàng thư thái, dần dần buông xả được những trói buộc của dục vọng vốn đã làm ta đau khổ bấy lâu nay. Ta đã hiểu được Vô Thường là qui luật chung của vạn pháp, không có gì là thường hằng, vĩnh cữu; và tất cả những gì vô thường đều là Khổ. 
 
Ta cũng hiểu được rằng chính vì vô thường nên tất cả các pháp đều Vô Ngã, không có tính chất cố định, không có gì là ta, là của ta, hay là tự ngã của ta. Ta chỉ là một tập hợp của năm uẩn, của tứ đại, và sẽ có ngày tan rã thành cát bụi. Như vậy, tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu..., nói chung là các dục của thế gian, và ngay tấm thân này, tất cả đều như bọt nước, như mây trôi, như giấc mộng, cuối cùng tất cả đều trở về với cái thực tướng của nó là Không. Vậy có gì đáng cho ta tham đắm ? Còn gì đáng cho ta chấp thủ, phiền não, khổ đau ? Chúng đến hay đi, còn hay mất, ta hãy bình thản nhận biết và cố giữ cho tâm không dao động. Ta hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận vô thường như một người khách có hẹn trước. Nhờ vậy, khi vị khách Vô Thường đến, ta không ngạc nhiên, không hoảng hốt, không sợ hãi, chỉ bình thản nhận biết, ‘À, vị khách Vô Thường đã đến ! ’.
 
Khi ta đã giữ được tâm thanh tịnh, an nhiên tự tại, bình thản trước mọi biến cố thăng trầm trong cuộc sống, ấy là lúc ta đã thấy được đạo, ta đã có được trí tuệ để thấy sự vật đúng như thật.  Đây là lúc ta hưởng được cảnh Niết Bàn nơi trần thế, ngay trong hiện tại này. Hạnh phúc chính là đây, đây mới là hạnh phúc đích thực.  
 
Khi ta đã thấy được chân lý, đã tìm được an lạc cho chính mình, lòng ta bỗng trở nên bao dung, rộng lượng. Ta cảm thấy thương yêu mọi người, nhìn mọi người bằng con mắt từ bi, nhìn cuộc đời với cõi lòng rộng mở. Ta bỗng cảm thấy xót xa khi chung quanh ta có biết bao người đang đau khổ. Vì thế ta quyết tâm dấn thân vào đời với tinh thần vô tham, vô sân, vô si, vô chấp thủ. 
 
Với lòng thương yêu tất cả chúng sanh, ta nguyện đem hết khả năng mình để phục vụ chúng sanh, giúp cho nhiều người bớt khổ được vui. Đó là lý tưởng mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng mơ uớc thực hiện.
 
Yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha… Cố gắng, cố gắng hơn nữa, cố gắng thêm hơn nữa, bờ giải thoát đây rồi… (Bát nhã tâm kinh)
 
coitaba.net (TH)

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]