Trong phật pháp, bố thí được chia thành 3 loại: Tài thí; Pháp thí và Vô úy thí.
1. Tài thí:
Tài là tiền của. Tài thí là đem tiền của vật thực đến cả thân mạng, để giúp người khác thoát khỏi khó khăn đau khổ. Cảnh khổ của con người về vật chất không thể kể xiết. Người thiếu cơm, kẻ thiếu áo, người thiếu thuốc thang, kẻ không nơi nương náu, trẻ em mồ côi, người già cô độc… Trước bao cảnh khổ ấy, người Phật tử không thể an nhiên riêng hưởng sung túc bản thân mình.
Tài thí có hai: ngoại tài và nội tài.
Ngoại tài là tài sản ở ngoài thân mình như vàng bạc, ruộng vườn, nhà cửa, cơm cháo, áo quần, thuốc thang v.v…
Nội tài là các bộ phận trong thân thể mình như tim, thận, mắt, tai v.v…
Ngày nay, có người tự nguyện cho người bệnh một quả thận, hoặc hiến xác cho cơ quan y tế, đó là bố thí nội tài.
Giúp đỡ người khác bằng tài thí
2. Pháp thí:
Dạy cho nhau cách thức buôn bán, phương pháp xử thế, đem lời hay lẽ phải, những lời Phật dạy để chỉ bày, hướng dẫn người khác từ bỏ lòng tham lam, ích kỷ, hận thù.
Pháp của Phật như liều thuốc hay chữa tâm bệnh chúng sanh dứt khỏi khổ đau, phiền não.
Pháp thí có những hình thức như sau:
- Khẩu giáo: Trực tiếp đem lời hay lẽ phải, những phép tu chân chính dạy người khác hiểu rõ chân lý cuộc đời, giúp họ đạt được tâm lý bình an, giải thoát khổ đau.
- Thân giáo: Chẳng cần dùng ngôn ngữ; đem gương sáng của một đời sống đạo đức, một tấm lòng từ bi, tinh tấn, nhẫn nhục,… để cảm hóa người khác.
Thân giáo như pháp bố thí có công dụng chắc chắn hơn so với những lời nói suông mà chính người giảng không làm theo đúng như lời đã giảng.
- Những việc làm như ấn tống kinh sách, kiến thiết chùa chiền, xây dựng Phật đài, đúc đại hồng chung v.v… đều thuộc về pháp thí.
Pháp thí có những giá trị lớn hơn tài thí. Tài thí chỉ giúp người khác đỡ túng thiếu về vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Pháp thí giúp cho người về phương diện tinh thần. Người nghèo khó và người giàu sang đều cần bồi dưỡng tinh thần.
Chính tinh thần quyết định nhân cách con người, tinh thần giúp con người khác với các sinh vật khác. Tinh thần còn ảnh hưởng và quyết định đến nhiều đời nhiều kiếp về sau.
Trong Kinh thường dạy: Trong các pháp cúng dường “Pháp cúng dường” là hơn tất cả. Pháp cúng dường là thực hành đúng lời Phật dạy.
Pháp thí
3. Vô úy thí:
Vô úy là không sợ hãi, vô úy thí là đem cái không sợ hãi mà thí cho mọi người để cho họ có được một trạng thái tâm lý an định có thể đối phó những tình huống khó khăn nguy hiểm. Sự sợ hãi là một tâm trạng rất thông thường của chúng sinh.
Vậy người có lòng từ bi, phải cố gắng làm sao cho chúng sinh được sự bình tĩnh yên ổn, không hoang mang lo lắng.
Phóng sinh cũng được xếp vào Vô úy thí. Mang tài vật và tấm lòng từ bi của mình để cho chúng sinh có được cơ hội sống. Phóng sinh là cách tốt nhất để chúng ta giải nghiệp, mang lại một cuộc sống an yên.
Tục ngữ có câu: “Ơn dễ cảm mà khó quên nhất là ơn mang trong lúc bị khuất phục, bị áp bức”.
Không phải chỉ những người có can đảm, có tài năng, có uy quyền mới có thể Vô úy thí! Một đứa bé đang kinh hãi vì một con chó rượt, một bà lão lo sợ không dám băng qua đường, đó là những cơ hội chúng ta có thể thực hành pháp Vô úy thí.
Gặp người bị tai nạn, bị oan ức, ta đem tài năng hay thế lực ra đùm bọc, che chở cho họ khỏi sợ hãi. Người sắp lâm chung ta đem giáo lý vô thường giảng giải và khuyến khích họ niệm Phật v.v… đó là Vô úy thí.
Vô úy thí
Mục đích của bố thí là để đối trị lòng tham lam ích kỷ, trang trải tình thương với tha nhân. Lòng tham lam ích kỷ là nguyên nhân của bần cùng, đau khổ.
“Nếu người có tiền của, tham tiếc không bố thí, nên biết rằng người ấy đang tạo hạt giống bần cùng đời sau vậy”.
coitaba.net (st)