Đừng sợ Nghiệp...

16/11/2021 06:35 PM

Mọi trải nghiệm đều tạo nghiệp. Nếu không trải nghiệm, ta lấy gì để giác ngộ, lấy gì để học ra bài học.

Khi nghe đến nghiệp, người ta cảm thấy thật nặng nề hoặc tiêu cực. Người đời thường nói đến từ "nghiệp quật" để chỉ vào tình huống một ai đó lãnh hậu quả không tốt đẹp. Nhưng bạn có biết, nghiệp là con đường duy nhất để đi đến giác ngộ. Và thực chất, nghiệp thì bao gồm cả thiện, bất thiện hay không bất thiện và thiện. Khi bạn gieo một nhân tốt, đó cũng là tạo nghiệp thiện. Khi gieo nhân xấu thì đó là nghiệp bất thiện. Tất cả những nghiệp mà ta tạo, là để khiến ta thấy ra sự thật trong chính tạo tác mà ta đã làm. 
 
Mọi trải nghiệm đều tạo nghiệp. Nếu không trải nghiệm, ta lấy gì để giác ngộ, lấy gì để học ra bài học. Vì thế, về thực tế, nghiệp không phải là thứ để ta sợ mà để ta thấy đúng tính chất của nó để hiểu đúng về nó, từ đó hướng cái thấy về mình chứ không phải là một nơi chốn nào đó xa xôi. Khi cái thấy của ta về nghiệp đúng đắn, ta sẽ biết mình đang tạo nghiệp thiện hay bất thiện, từ đó điều chỉnh hành vi và nhận thức của mình. 
 
Nghiệp thuộc về ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Và đã có ngũ uẩn thì có nghiệp. Nói dễ hiểu hơn nó bao gồm hành vi tinh thần (suy nghĩ - cảm xúc - lời nói) và hành vi thân thể (thể xác). Trong đó, hành vi tinh thần (suy nghĩ) là thứ khó kiểm soát nhất, và thường bị diễn ra theo tập khí (vô thức). Chẳng hạn, khi bạn nghĩ cái gì đó nhiều, mà không biết mình trong suy nghĩ đó, suy nghĩ này thường lặp đi lặp lại.

 


Như vậy, tập khí là một trong những nghiệp được tạo lặp lại trở nên sâu dày. Nó biến thành thói quen. Thế nên, nếu không chánh niệm - tỉnh giác với tập khí này, thì nó sẽ càng ngày càng khó điều chỉnh. Tập khí không chỉ hình thành trong đời này, mà còn ở nhiều đời trước, tất cả đã được in sâu trong tiềm thức. Chỉ khi chánh niệm-tỉnh giác một cách trọn vẹn, ta mới thấy hết các thói quen này, từ đó không để bị nghiệp này chi phối mình. 
 
Thực ra, suy nghĩ không phải là một điều gì đó xấu xa. Nếu suy nghĩ có tính ứng dụng thực tế, thì điều đó là cần thiết. Chẳng hạn, khi bạn đến chơi nhà, ta cũng cần suy nghĩ bữa ăn sao cho phù hợp. Khi đến môi trường mới, ta cũng nên quan sát và suy nghĩ làm sao để ứng xử cho đúng đắn với văn hóa và tập quán khu vực.

Vì thế, đừng sợ là suy nghĩ như thế này thì tạo nghiệp, mà cần nhìn thẳng vào suy nghĩ ấy để thấy nó, để không bị nó cuốn đi. Trong cuộc sống tất bật với nhiều lo toan hôm nay, sự suy tư là cần thiết nhưng cũng chính vì sự suy tư ấy, con người bị cuốn vào vòng xoáy không thể thoát ra. Và đó chính là luân hồi sinh tử. 
 
Với cá nhân tôi, sự suy tư là có, và những suy nghĩ trong ngày là không tránh khỏi, nhưng cách giúp tôi thăng bằng là biết mình trong những gì mình nghĩ, mình làm, để không bị chúng cuốn đi hay không để việc này hình thành thói quen. Trong thói quen, chúng ta hiếm khi thấy sự mới mẻ, mà thường là nhàm chán nhiều hơn. 
 
Thế nhưng, tránh dính mắc vào thói quen không có nghĩa là bảo ta không được lặp lại việc gì đó mỗi ngày, mà biết mình trong những việc mà ta nghĩ là lặp lại đó. Vì khi biết mình trong mọi hoàn cảnh, thì việc được lặp lại mỗi ngày, nhưng không hề có một sự lặp lại nào là giống nhau. Vì vạn sự là vô thường, nếu ta thấy ra vô thường, thì ta đâu còn thấy gì giống nhau nữa, mỗi khoảnh khắc là hoàn toàn khác biệt.

Theo Trang Ps
 

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

KẾT NỐI TRÍ TUỆ

CÕI TA BÀ - SỐNG CHẾT VÀ TÁI SINH
Cẩm nang cho cuộc sống

Phóng hạ đồ đao / Lập địa thành Phật
Biển khổ vô biên / Quay đầu là bờ

Liên hệ: [email protected]